Vĩnh Phúc ứng dụng công nghệ canh tác lúa cải tiến (SRI) trên vùng đất khô cằn

Vụ mùa năm 2010, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thực hiện thành công công nghệ canh tác lúa cải tiến (SRI) trên vùng đất khô cằn, với tổng diện tích gần 5 ha.

Kết quả cho thấy, chỉ sau 18 tuần, cây lúa trong ruộng ứng dụng SRI sinh trưởng phát triển tốt, cây to, khả năng đẻ khỏe, dảnh hữu hiệu nhiều (tối đa 1,2 dảnh/khóm), bông cho nhiều hạt (180 hạt/bông), tỷ lệ hạt chắc cao, sáng mẩy, năng suất bình quân 330 kg/sào. Ứng dụng này còn giúp hạn chế sâu bệnh gây hại trên cây lúa, đặc biệt không bị dịch rầy nâu. Ngoài ra, phương pháp này còn tiết kiệm được thóc giống và khoảng 30% lượng nước tưới nên giảm được 30 - 40% chi phí thủy nông. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tam Đảo cho biết: Việc ứng dụng công nghệ canh tác lúa cải tiến (SRI) không khó, bà con nông dân chỉ cần cấy từ 1-2 dảnh/khóm, cấy mật độ thưa 40-45 khóm/m2; bổ sung chất hữu cơ và bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa; làm cỏ sục bùn tạo độ thoáng cho đất; điều tiết nước: rút nước lần 1 sau bón thúc đẻ nhánh 5-7 ngày, rút nước lần 2 vào giai đoạn lúa chín sáp đến khi chín hoàn toàn; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 1-2 lần/vụ hoặc không cần phun thuốc. Với kỹ thuật ứng dụng công nghệ SRI, cây lúa đẻ nhánh mạnh, tỷ lệ nhánh vô hiệu thấp, tỷ lệ hạt chắc cao, hiệu quả kinh tế tăng 12%. Công nghệ canh tác lúa cải tiến (SRI) là tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và khuyến khích các địa phương ứng dụng. Đây là mô hình canh tác lúa cải tiến cho năng suất cao, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Từ nhưng kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục mở rộng diện tích lúa ứng dụng công nghệ canh tác cải tiến (SRI) trong những năm tới./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=425344&co_id=30085