Vĩnh Phúc hướng đến nông nghiệp thông minh

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Với chủ trương và hành động đúng đắn, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tiến trình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Chủ trương đúng và trúng

Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7% diện tích tự nhiên, nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 28 về việc triển khai Nghị quyết số 19. Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể và định hướng, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Theo định hướng chung, tỉnh đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2023, Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Trong số đó, có 19 cơ sở sản xuất rau, quả; 64 cơ sở chăn nuôi; 9 cơ sở thủy sản. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.

Với chủ trương và hành động đúng đắn, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tiến trình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800ha tại 71 xã, phường, thị trấn và nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ khác tại các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Đảo, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô…

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, nông dân thời 4.0 của Vĩnh Phúc đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây, mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn cho biết.

Giám đốc Sở NN và PTNT Trần Thanh Hải kiểm tra mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch. Ảnh: Xuân Việt

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng so sánh với tiềm năng, lợi thế đang có thì việc làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số của đa số nông dân Vĩnh Phúc hiện vẫn gặp không ít khó khăn do diện tích đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tập quán, ý thức sản xuất của người dân còn tự do, thiếu liên kết, nguồn lực đầu tư hạn chế… Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Từ đó, hướng tới phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Tại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Ngọc Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch) là một trong những doanh nghiệp tích cực “đón đầu” ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Công ty đã thực hiện chương trình liên kết với hộ dân nuôi bò sinh sản, đầu tư dự án chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao với quy mô 2.000 lợn nái sinh sản, 20.000 lợn thịt và 3.000 con bò. Mô hình chăn nuôi này sẽ được tổ chức khép kín gồm cả nhà máy chế biến thức ăn gia súc cũng như chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao với các loại cây dược liệu, cây ăn quả phục vụ cho công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.

Theo Giám đốc Sở NN - PTNT Trần Thanh Hải, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đang quan tâm đầu tư tại tỉnh, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư như: triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh và xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất.

Bên cạnh đó, tỉnh chuẩn bị sẵn quỹ đất, quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư; hỗ trợ giải quyết những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp như đào tạo, tuyển dụng lao động. Ngoài ra, tỉnh đầu tư hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và hỗ trợ các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quyết liệt đẩy mạnh giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp…

Trần Tâm - Xuân Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/vinh-phuc-huong-den-nong-nghiep-thong-minh-i351830/