Vĩnh Phúc: Hướng dẫn tổ chức giảng dạy theo mô hình Trường học mới

Mỗi chủ đề dạy học được biên soạn theo cấu trúc gồm 5 hoạt động (Khởi động/Trải nghiệm; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng; Tìm tòi, mở rộng). Trong đó giáo viên phải chú trọng 3 hoạt động: Hình thành kiến thức; Luyện tập và Vận dụng.

Mỗi chủ đề dạy học có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số hoạt động. Các hoạt động học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp.

Giáo viên cần chú trọng giao bài tập về ghi nhớ kiến thức, rèn kĩ năng, luyện tập … về nhà cho phù hợp với học sinh, có yêu cầu cụ thể về sản phẩm phải hoàn thành và giáo viên đánh giá sản phẩm đó của học sinh.

Về kiểm tra, đánh giá học sinh, các trường lựa chọn thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

Thực hiện theo công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đánh giá học sinh THCS theo mô hình trường học mới.

Thực hiện kết hợp giữa công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH với Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, cụ thể:

Đánh giá về sự hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh: Thực hiện theo công văn số 4669/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT.

Đánh giá về kết quả học tập của học sinh: Thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (cả về số lượng con điểm, nội dung, và hình thức kiểm tra).

Đối với các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội: Số bài kiểm tra, cách tính điểm áp dụng theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, nhà trường chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn xây dựng lịch và nội dung kiểm tra các bài vào các thời điểm thích hợp trong năm học.

Giáo viên căn cứ vào điểm trung bình của môn học để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Hoạt động giáo dục đánh giá theo 2 mức độ Đạt và Chưa đạt.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vinh-phuc-huong-dan-to-chuc-giang-day-theo-mo-hinh-truong-hoc-moi-2373540-t.html