Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đón trên 10,6 triệu lượt du khách năm 2024

Bước sang năm 2024, ngành du lịch Vĩnh Phúc phấn đấu đón trên 10.600.000 lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt trên 4.000 tỷ đồng.

3 hướng chính để phát triển du lịch

Vĩnh Phúc gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh, là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, Vĩnh Phúc là địa phương có hệ thống sông khá dày đặc với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô, đây là một thế mạnh có thể phát triển các tour du lịch hấp dẫn với việc xây dựng các bến thuyền du lịch ở những địa điểm thích hợp.

Vĩnh Phúc có tới hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang.

Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là một thế mạnh lớn của Vĩnh Phúc. Theo VTC News, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tam Đảo là Khu du lịch Quốc gia. Thị trấn Tam Đảo được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022, hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 - sân golf được yêu thích nhất năm 2022...

Ngành du lịch Vĩnh Phúc được xác định phát triển theo 3 hướng chính nhằm phát huy những thuận lợi về mặt tự nhiên và nhân văn của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo.

Cà phê Cổng trời Tam Đảo thu hút du khách. Ảnh: VTC News

Nhờ biết cách khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, ưu tiên nguồn lực đầu tư và thu hút được nhiều dự án lớn, những năm qua, du lịch, dịch vụ của Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng.

Năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đón khoảng 9,3 triệu lượt khách tham quan du lịch. Số lượng du khách tăng 13% so với năm 2022 và tăng 2% so kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế 81.000 lượt, khách nội địa hơn 9.218.500 lượt. Số liệu của phòng quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tổng doanh thu du lịch ước tính đạt: 3,610 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất sử dụng phòng đạt 40% đến 45%.

Hay mới đây, cũng theo báo cáo của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 30/12/2023 - 1/1/2024) toàn tỉnh ước đón khoảng gần 90.000 lượt khách, tăng 5% so năm 2023, trong đó khách quốc tế ước đạt 3.400 lượt; khách nội địa ước đạt 85.600 lượt ; khách lưu trú ước đạt 35.600 lượt. Doanh thu ước đạt 45 tỷ đồng, tăng 12% so năm 2023.

Theo Kinh tế & Đô thị, tính đến 01/12/2023 toàn tỉnh có 563 cơ sở lưu trú du lịch với 9.973 buồng và 7.500.000 cán bộ công nhân viên. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 02 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao; 44 khách sạn 2 sao; 16 khách sạn 1 sao và 488 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7799: 2017 về Nhà nghỉ du lịch và 7800: 2017 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

Các cơ sở lưu trú đã tăng cường duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú đã tốt hơn so với những năm trước, ngày càng mang lại nhiều sự hài lòng đối với du khách.

Hiện nay trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc có 21 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 07 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 14 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa với thị trường khách Inbound (khách nước ngoài) từ Nhật Bản, Hàn Quốc là chủ yếu. Lượng khách Outbound (du lịch ra nước ngoài) do các công ty lữ hành tổ chức chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.

Mặc dù ngành du lịch Vĩnh Phúc trong năm 2023 đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại như: chất lượng sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, nhất là các cơ sở lưu trú 4 - 5 sao.

Các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm trên địa bàn vẫn còn thiếu; các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng còn đơn điệu, chưa nêu bật được dấu ấn đặc trưng vùng miền, dấu ấn riêng của tỉnh…

Hoạt động du lịch còn mang tính thời vụ, chưa chuyên nghiệp nên chưa thu hút được lao động có chất lượng cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch còn chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, nghiệp vụ cho người lao động.

Hướng đến mục tiêu đón trên 10, 6 triệu lượt khách

Bước sang năm 2024 ngành du lịch Vĩnh Phúc phấn đấu đón trên 10.600.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế phấn đấu đón khoảng 90.000 nghìn lượt; Doanh thu du lịch ước đạt trên: 4.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý Du lịch cho biết: các đơn vị chuyên môn sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, theo dõi các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch.

“Qua công tác kiểm tra, các đơn vị chuyên môn làm nhiệm vụ sẽ kịp thời phát hiện, nhắc nhở chấn chỉnh đối với các biểu hiện sai phạm. Thậm chí, lập biên bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành đầy đủ quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch”, ông Đỗ Hoàng Dương cho biết.

Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng các kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình quảng bá du lịch, đẩy mạnh quảng bá du lịch Vĩnh Phúc trên nền tảng số. Cơ quan chuyên môn cũng sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về du lịch (quản lý cơ sở lưu trú du lịch, bàn - bar, lễ tân, buồng, hướng dẫn viên du lịch) cho cán bộ, nhân viên làm việc trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ phát sinh do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, UBND tỉnh giao; phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các Chỉ thị, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh, phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vinh-phuc-dat-muc-tieu-don-tren-106-trieu-luot-du-khach-nam-2024-a645206.html