Vĩnh biệt nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân - một tấm lòng vì Hà Nội

Chủ nhân của hơn 30 đầu sách viết về Thăng Long Hà Nội, tác giả của hàng chục tập thơ, nhạc kịch, văn học, luôn có tên trong các tác phẩm đồ sộ về đất Thăng Long - nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân vừa qua đời, hưởng thọ 89 tuổi. Từ nay, những người yêu Hà Nội sẽ không còn thấy một ông lão tóc bạc phơ, dong dỏng cao chống ba-toong đi khắp phố phường để tìm hiểu văn hóa, phong tục của người Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái. Sinh ra tại thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nhưng phần lớn cuộc đời ông sống ở Hà Nội. Sinh thời, ông được biết đến là một nhà báo can đảm, sẵn sàng xông pha vào vùng chiến sự nóng bỏng nhất, một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng với những tác phẩm quen thuộc về mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Năm 1950, ông mở một hiệu sách nhỏ làm kế sinh nhai cho gia đình. Vừa bán sách vừa viết báo, công việc của một phóng viên cho phép ông có cơ hội đi nhiều, viết nhiều về Hà Nội. Không một làng xã nào của Hà Nội mà nhà nghiên cứu Giang Quân chưa đặt chân đến, không một con phố, một ngõ nhỏ nào của thủ đô ông chưa đi qua; chưa có món ăn nào ở đây mà ông không nếm thử.
Nhiều lần ông phải đi bộ từ Khâm Thiên xuống tận Thanh Trì để thưởng thức món bánh cuốn nổi tiếng ở đây. Ông tìm hiểu cách pha chế nước chấm, cách tráng bánh của người dân Thanh Trì để đưa vào những trang sách giới thiệu đến bạn bè. Nếu không có ông, chắc ít ai biết rằng, phố Lã Vọng ngày nay, xưa chính là phố Hàng Sơn. Cái tên mới bắt nguồn từ chính món chả cá nổi tiếng của nhà họ Đoàn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân. Ảnh: DV

Càng tìm hiểu, ông càng yêu Hà Nội hơn. Theo Giang Quân, “hồn” Hà Nội không chỉ ở những khu nhà vôi vàng đều tăm tắp hay mái ngói rêu phong cổ kính, mà Hà Nội đẹp ở lối sống, cách cư xử của con người nơi đây. Hà Nội thanh lịch bắt nguồn từ cái nôi văn hóa gia đình. Ông dạy con cháu phải sống trung thực, tôn trọng lẽ phải, giản dị, chan hòa, gia đình phải có tôn ti trật tự. Và cái tên Giang Quân còn được người trong nghề kính phục bởi sự trung thực và cái tâm trong sáng.
Ông tâm niệm không sao chép lại những cái có sẵn, không viết khi chưa mắt thấy tai nghe. Ông viết là viết cho quảng đại quần chúng chứ không phải để có tác phẩm để đời. Ông bảo: “Tôi là người dân, tôi muốn những cuốn sách của tôi đều là sách bình dân cả”.

Cả đời đi và viết, ông luôn nhìn Hà Nội ở những điều đẹp đẽ nhất, thanh lịch nhất. Mong muốn được cống hiến hết mình cho sự phát triển của thủ đô, dẫu đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn không quản ngại khó khăn, mệt nhọc chấp bút viết “Khâm Thiên gương mặt cuộc đời”, “Kỷ yếu Khâm Thiên” - những cuốn sách viết về mảnh đất ông cư trú, về những con người sống quanh ông.

Nhà nghiên cứu Giang Quân nhận Giải thưởng Lớn "Vì tình yêu Hà Nội" năm 2015. Ảnh: TTVH

Với những cống hiến của mình cho Thủ đô, năm 2011, Giang Quân là một trong 10 người được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Tháng 9/2015, ông đã giành Giải thưởng Lớn “Vì tình yêu Hà Nội” trong giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 8. Các tác phẩm của ông trở thành cẩm nang thông dụng cho những ai muốn tìm hiểu Hà Nội.

Dẫu biết sinh tử là lẽ tự nhiên, nhưng tin Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân ra đi vẫn làm người yêu Hà Nội bàng hoàng. Thế là, Hà Nội mãi xa một con người cả đời gắn bó với thủ đô, luôn làm đẹp thủ đô bằng tất cả sự nhiệt huyết, tình yêu vô hạn với văn hóa kinh kỳ!

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/thoi-su/vinh-biet-nha-nghien-cuu-van-hoa-giang-quan-mot-tam-long-vi-ha-noi/672769.antd