Viết văn là để trải lòng

Sau cuốn “Ký ức màu tro”, nhà văn, nhà báo Văn Hạ Ly cho ra mắt tập truyện ngắn và tản văn “Tóc chị mùi phù sa”. Có cảm giác văn của Hạ Ly như cốm thu Hà Nội. Tôi nói vậy khi đọc xong tập truyện ngắn và tản văn “Tóc chị mùi phù sa” của Hạ Ly với chưa tới mười truyện ngắn và mười lăm tản văn. Tác giả viết truyện mênh mang như tản văn, nhưng tản văn đọc trĩu lòng như truyện. Đó là sự khác biệt.

Tác giả Hạ Ly và cuốn sách “Tóc chị mùi phù sa”

Mà hình như cũng không phải Hạ Ly viết văn, cô đang tỉ mẩn sắp xếp từng hạt cốm thu thành lá, thành cây, thành chữ, thành hình họa, xếp đặt lại thành kỷ niệm và trải nghiệm, thành xót xa và yêu thương, thành cảm xúc mà người đàn bà tuổi bốn mươi như cô đã đi từ bến sông quê lên thành phố, đã đi từ thành phố về mọi miền quê, đã biết đi ra để nhìn, để nghe, để chiêm nghiệm, để ngắm đời, rồi lại biết đi vào sâu bên trong ý thức mình, cảm xúc mình để sắp đặt lại mọi thứ tựa như người ta sắp đặt hành trang đời vào va ly, cái đáng bỏ thì bỏ, cái đáng buông thì buông, cái đáng giữ thì nâng niu cất giữ.

Không tìm thấy ở chùm truyện ngắn của tác giả những va đập dữ dội, những xung khắc, những bước nhảy âm dương của nhân vật. Hạ Ly kể về thân phận nhân vật như là cách để chép lại một phận đời của ai đó, của tôi, của bạn và của chính cô, chép lại cả tiếng cười, sự dịu dàng, cả tiếng nước mắt rơi. Nhưng mọi thứ đều không khu biệt, nó hiện ra như có tôi, có bạn, như chúng ta đang có và vẫn có, nhạt và đậm. Nó như là cơn gió nhẹ đi qua tâm trí người đọc, lạnh và ấm, đọc xong những truyện này lại cứ muốn đọc lại, hấp dẫn không phải vì những hỷ nộ ái ố thường thấy ở các nhân vật văn học, đọc lại vì hình như thấy mình, dù chỉ một chút thôi trong thân phận nhân vật cô viết ra, một chút thôi mà đủ đau, đủ thương, đủ day dứt.

Tôi mê những đoạn tản văn của Hạ Ly viết về làng. Rất lạ. Hình như phần tản văn này không phải Hạ Ly viết, vì tôi nghe được âm thanh từng chữ một, như lời kể chuyện, như tiếng thì thầm vọng ra từ ký ức mình, từ trong rất sâu tâm hồn mình chứ không phải đang đọc chữ.

Và chân thực, chân thực đến mức tưởng như là những trang nhật ký. Và vì thế mà người đọc tin rằng, cuộc đời trong những trang văn của Hạ Ly là một cuộc đời thực, không màu mè, không ve vuốt, không uốn lượn. Những chữ, những dòng, những trang văn hằn vào tâm trí người đọc như những dấu chân trên cát, những dấu chân đặt nhẹ thôi nhưng rõ lắm, sâu lắm, đắm đuối và lôi cuốn.

Đọc văn của Hạ Ly thì cảm được người viết ra nó, khát vọng lớn lắm nhưng không xô tới chiếm đoạt mà đi từng bước về phía hạnh phúc, dù chậm nhưng đó là những bước chân chín chắn, sâu nặng nghĩa làm người. Hạ Ly lấy cái cảm của mình, những cảm xúc thật tinh tế trong quan sát, trong nghe đọc, trong từng trải để mê dụ người đọc.

Đa đoan trong văn chương nhưng trong cuộc sống thực Hạ Ly lại chọn niềm vui. Với cô, viết văn là để trải lòng, để vui với con chữ. Phần lớn tác phẩm của Hạ Ly đều nhẹ nhàng và kết thúc có hậu. Cô muốn dùng những lời văn thủ thỉ tựa như những giọt nước chảy róc rách, róc rách vào tâm hồn người đọc để họ tận hưởng một chút thư thái, một chút bình lặng. Những kết thúc có hậu cũng là khát vọng sống của mỗi người, bởi suy cho cùng, bình lặng hay giông bão cũng đều do cách nhìn nhận sự việc, thái độ sống mà ra.

Phương Hoa (theo hanoimoi.com.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/77893/viet-van-la-de-trai-long.html