Viết tiếp truyền thống ngành TT&TT: Những mốc son lịch sử

Trong niềm vui chung của cả nước hướng tới kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2017), toàn ngành TT&TT cũng rất vui mừng đón chào Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam (15/8/1945 - 15/8/2017).

Trong niềm vui chung của cả nước hướng tới kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2017), toàn ngành TT&TT cũng rất vui mừng đón chào Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam (15/8/1945 - 15/8/2017), Ngày truyền thống ngành TT&TT (28/8). Đặc biệt, năm 2017 cũng là mốc son đánh dấu 15 năm thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông, 10 năm thành lập Bộ TT&TT.

Cách đây 72 năm, ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Nghị quyết về Thông tin liên lạc.

Nghị quyết nêu rõ: “Lập ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm nhiệm vụ”. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam. Với ý nghĩa trọng đại đó, ngày 15/8/1945 đã đi vào lịch sử phát triển của ngành Bưu điện như một ngày khai sinh và đã được Nhà nước cho phép lấy là ngày truyền thống của ngành.

Kể từ đó đến nay, ngành Bưu điện đã trải qua những mốc phát triển quan trọng, đó là: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện -Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính Viễn thông (2002), Bộ TT&TT (2007).

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, sau khi nước nhà thống nhất và trong thời kỳ đổi mới, Bưu điện Việt Nam đã trở thành ngành tiên phong thực hiện đường lối “Đổi mới” một cách sáng tạo với quyết sách“Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”.

Tiếp đó, ngành tiếp tục thực hiện chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” giai đoạn 1993 – 2000. Và giai đoạn 2001 - 2010, chiến lược của ngành là “Hội nhập và phát triển” nhằm phát huy nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

Ngày 31/7/2007, Bộ TT&TT được thành lập theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 của Quốc hội khóa 12. Kế thừa những thành tích đã đạt được của 72 năm xây dựng và phát triển của ngành Bưu điện, ngành TT&TT trong 10 năm qua đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật; đã có những đóng góp xứng đáng, tác động tích cực và hiệu quả đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành TT&TT đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

“Từ một ngành ban đầu còn lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh; trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, ngành TT&TT đã trở thành một ngành có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; có tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường; có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Lịch sử 72 năm xây dựng và phát triển của ngành Bưu điện (nay là ngành TT&TT) là lịch sử của những chiến công rất đáng tự hào của những thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày hôm nay; là lịch sử lao động và cống hiến của những cán bộ lão thành ngành TT&TT; là những trang sử vẻ vang được viết bởi những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã và đang làm việc, cống hiến cho sự phát triển của toàn ngành”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ tại buổi gặp mặt thân mật cán bộ hưu trí và cán bộ ATK bưu điện nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ TT&TT vừa diễn ra trung tuần tháng 8/2017.

Viết tiếp trang sử ngành

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể: Công tác quản lý các cơ quan báo chí và chỉ đạo tuyên truyền tại các điểm nóng ở một số địa phương trên cả nước, các thông tin, diễn biến phức tạp liên quan đến các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị,... đã được Bộ TT&TT thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Mặt khác, với sự ra đời của Thông tư 38 về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Google, Facebook đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Các doanh nghiệp này đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng nghìn nội dung thông tin vi phạm pháp luật (riêng YouTube đã gỡ bỏ gần 3.800 clip, 106 tài khoản giả mạo; Facebook đã xóa 600 tài khoản).

Công tác xử lý, ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ sau nhiều năm là vấn nạn của xã hội. Gần 24 triệu SIM rác đã bị xử lý trong thời gian ngắn vừa qua là bằng chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực của Bộ TT&TT trong quyết tâm làm lành mạnh hóa thị trường viễn thông của Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ TT&TT.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ hưu trí nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ TT&TT.

Việc các doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam đang tăng cường thúc đẩy cung cấp dịch vụ 4G trên phạm vi toàn quốc, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TT&TT về việc chủ động điều chỉnh giá cước roaming quốc tế chiều về, đã phản ảnh rất rõ nét sự quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho khách hàng, cung cấp các dịch vụ tốt hơn, rẻ hơn cho người dân.

Song song với công tác thực thi các quy định của pháp luật, Bộ TT&TT cũng thực hiện nghiêm túc, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ TT&TT thuộc nhóm thứ nhất (5 Bộ, cơ quan ngang Bộ) về kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2016.

“Tôi tin rằng phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện với 10 chữ vàng “Trung thành-Dũng cảm-Tận tụy-Sáng tạo-Nghĩa tình”, ngành TT&TT Việt Nam kế thừa quá khứ, tiếp nối lịch sử, tiếp bước cha anh, không ngừng phát triển và trưởng thành, thực hiện thành công phương châm hành động “Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Sống mãi 10 chữ Vàng

Chúc mừng những thành tích đạt được của Bộ TT&TT, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá đánh giá cao việc Bộ TT&TT đã kế thừa, phát huy truyền thống 72 năm của ngành, giữ vững vai trò là lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ cũng như hạ tầng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh lại 5 truyền thống của ngành: Một là truyền thống đi đầu mà không phải ngành nào cũng có (Thông tin đi đầu, Bưu chính đi đầu, Viễn thông và Công nghệ thông tin cũng đi đầu). Hai là truyền thống sáng tạo và táo bạo (các thế hệ đi trước đã chèo lái rất tốt, rất khéo để hợp tác với các nước trên thế giới để đi đầu trong đổi mới, có kinh nghiệm, bài học và làm nhiều điều kỳ diệu để có hôm nay); Ba là truyền thống đoàn kết (các thế hệ rất đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, chỉ cần nói là người bưu điện sẽ bắt đầu xích lại gần nhau). Bốn là truyền thống đào tạo tốt (TT&TT là một trong những ngành có tính chuyên nghiệp khá cao, người trong ngành đều yêu nghề, làm hết mình về nghề). Và năm là truyền thống đối nội thì dân chủ, đối ngoại thì tự tin (ngành luôn tiếp cận thời đại, sáng tạo cùng với thời đại, và tư duy luôn phù hợp với thời đại. Đó là truyền thống quý giá cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đặc biệt lưu ý rằng “vai trò, vị trí của ngành TT&TT, báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, CNTT ngày càng thiết yếu và quan trọng với đời sống xã hội. Không có ngày nào mà cả nước không dùng những dịch vụ do ngành chúng ta cung cấp. Tự hào với truyền thống đó, các thế hệ của ngành luôn phát huy truyền thống tốt đẹp để tiếp tục phát triển ngành trong sự phát triển đi lên của đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Góp ý cho sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa của ngành TT&TT trong thời gian tới, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Nguyễn Huy Luận và nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực đề nghị Bộ TT&TT cần có chiến lược để triển khai 5G một cách hiệu quả cho người dân hưởng lợi. Khi triển khai di động 2G thì Việt Nam vào top đầu của châu Á, đến 3G chúng ta trung bình, đến 4G chúng ta vào loại chậm nhất. Dự kiến năm 2020 sẽ có 100 thành phố trên thế giới sử dụng 5G. Việt Nam không nên đi sau các nước khác trong công nghệ 5G.

Ghi nhận những đề xuất này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: “Xung quanh vấn đề phát triển 5G, Bộ TT&TT đã rất chủ động, vừa rồi đã giao Cục Tần số tổ chức hội thảo về 5G để các cơ quan, đơn vị của Bộ, nhất là các doanh nghiệp viễn thông phải nắm vững và chủ động trong triển khai 5G. Chúng ta đã đi chậm trong 4G, thì phải cố gắng để Việt Nam phải vào top những nước đầu tiên về 5G trên thế giới”.

Bình Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/viet-tiep-truyen-thong-nganh-tttt-nhung-moc-son-lich-su-post235746.info