Viết tiếp trang sử mới trên vùng đất chiến khu

Những ngày này, dọc các tuyến đường vào xã Ba Lòng, huyện Đakrông đều rợp cờ đỏ sao vàng, người dân vùng chiến khu vẫn chưa nguôi cảm xúc tự hào, hãnh diện khi tham dự lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xã Ba Lòng là xã An toàn khu vào ngày 21/4. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh Quảng Trị nói chung, xã Ba Lòng nói riêng trên con đường xây dựng, phát triển trong thời kỳ đổi mới.

Chiến khu “bất khả xâm phạm” thời chiến

Với vai trò là trung tâm lãnh đạo kháng chiến, Ba Lòng được biết đến với những chiến công oanh liệt, vẻ vang của quân dân Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ba Lòng từng là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng kháng chiến thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, từ đây đã phát đi nhiều mệnh lệnh, chỉ thị, đường lối cách mạng quan trọng của trung ương, của tỉnh.

Lãnh đạo xã Ba Lòng vinh dự đón nhận quyết định công nhận xã An toàn khu của Thủ tướng Chính phủ -Ảnh: M.L

Địa hình hiểm trở khiến Ba Lòng có vị thế đặc biệt trong việc giao lưu, liên lạc của lực lượng kháng chiến Quảng Trị với các địa phương trong khu vực. Từ Ba Lòng có thể tỏa đi khắp các vùng trong tỉnh, nối dài với chiến khu Dương Hòa, tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Nam.

Cũng từ đây có thể dễ dàng đi ra phía Tây Quảng Bình và vùng tự do Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh hoặc lên vùng biên giới Việt - Lào. Cựu chiến binh Hồ Văn Dư (80 tuổi) - từng là bộ đội địa phương bám trụ chiến đấu nhiều năm ở Ba Lòng - nay là bệnh binh sống ở Thôn 5, xã Ba Lòng, nhớ lại: thời ấy, địa hình Ba Lòng hội đủ các điều kiện để xây dựng một căn cứ kháng chiến, phù hợp với chiến tranh du kích của ta nhưng lại gây khó khăn cho địch khi chúng tấn công.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Ba Lòng là vùng chiến lược lợi hại “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi rừng Ba Lòng là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, đồng thời là một điểm trọng yếu trên đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc và tổ chức tiếp cận thuận lợi các nguồn lực chi viện từ hậu phương.

Chiến khu Ba Lòng chính thức được thành lập sau cuộc họp ngày 14/4/1947 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Cuộc họp này quyết định chọn “vùng đất phía Tây hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơơng; phía Hòn Linh kéo xuống Hải Đạo để xây dựng căn cứ cách mạng”.

Sau khi ra đời, chiến khu Ba Lòng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đầu não kháng chiến và lực lượng vũ trang tránh sự truy quét và tiêu diệt của thực dân Pháp, trở thành một căn cứ địa cách mạng, trung tâm lãnh đạo kháng chiến của tỉnh Quảng Trị. Tại đây, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành 4 kỳ đại hội (lần thứ II vào tháng 11/1947; lần thứ III vào tháng 3/1949; lần thứ IV vào tháng 4/1950 và lần thứ VI vào tháng 7/1965) và nhiều cuộc họp, hội nghị quan trọng khác. Đây cũng là nơi thành lập trung đoàn chủ lực đầu tiên của Phân khu Trị - Thiên là Trung đoàn Bộ binh 6 vào ngày 10/10/1965; đến ngày 1/6/1974, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên cũng thành lập Quân đoàn 2 tại đây. Ba Lòng còn là một trong nhưng nơi góp phần quan trọng trong việc đào tạo, nuôi dưỡng, rèn luyện nhiều tướng giỏi trong quân đội như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Trần Sâm; Trung tướng Lê Tự Đồng, Thiếu tướng Lê Chưởng…

Ba Lòng đạt 5/5 tiêu chí quy định tại Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu gồm: Tiêu chí 1, được cấp ủy đảng từ khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng an toàn khu cách mạng. Tiêu chí 2, nơi ở, làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của cán bộ Đảng, Nhà nước từ cấp khu và quân khu trở lên. Tiêu chí 3, nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tiêu chí 4, nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang từ cấp đại đội trở lên. Tiêu chí 5, nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Theo ông Dư, bên cạnh ưu thế “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, Ba Lòng còn có lợi thế hết sức quan trọng nữa là đất đai màu mỡ, xung quanh rừng núi, đảm bảo sản xuất lương thực để “tự cung tự cấp” tại chỗ cho lực lượng kháng chiến trong điều kiện bị bao vây, bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Hơn nữa, với lợi thế giao thông thuận lợi, nhất là giao thông đường thủy, việc giao lưu với các huyện đồng bằng dễ dàng đã góp phần phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, làm thất bại âm mưu bao vây kinh tế của địch đối với vùng căn cứ kháng chiến. Với những lợi thế này, Ba Lòng trở thành chiến khu “bất khả xâm phạm” của quân và dân ta trong 2 cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ.

Đất anh hùng chuyển mình

Không khí quê hương những ngày này khiến vợ chồng ông Nguyễn Cai (sinh năm 1946), bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1949), thôn Đá Nổi, xúc động nhớ lại những ngày đầu trở về quê hương sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975 với vô vàn gian khó, thử thách...

Hệ thống hạ tầng xã Ba Lòng ngày càng được đầu tư đồng bộ - Ảnh: M.L

Sinh ra ở Ba Lòng, 16 tuổi bà Hồng tham gia du kích địa phương, từng vận chuyển vũ khí cho bộ đội đóng quân ở Ba Lòng, nhưng được một năm thì bà được cấp trên điều qua đội văn công, phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội chiến trường Trị Thiên. Đến năm 1972, bà là bệnh binh được ra miền Bắc an dưỡng và gặp ông Cai là bộ đội miền Nam bị thương đang được điều trị tại đây. Sau đó, hai người nên duyên vợ chồng và chọn trở về lập nghiệp trên đất Ba Lòng. Thấm thoắt gần 50 năm, vợ chồng bà Hồng chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của quê hương. Bà Hồng chia sẻ: “Địa hình cách trở là điều kiện giúp Ba Lòng trở thành một chiến khu cách mạng an toàn trong thời chiến thì hòa bình lập lại trở thành bất lợi vì điều kiện “ngăn sông cách chợ”. Vì thế, hàng chục năm liền sau giải phóng, người dân chúng tôi gần như biệt lập với bên ngoài”. Phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Ba Lòng thời điểm đó là thuyền để xuôi theo sông Thạch Hãn về thị xã Quảng Trị và theo sông Ba Lòng ra thị trấn Klông Klang. Trẻ em đi học, người dân đi chợ, đi bệnh viện, đi làm... tất cả đều trên 2 tuyến đường sông này. “Cuộc sống của chúng tôi thật sự thay đổi từ khi Nhà nước xây dựng cây cầu bắc qua sông Ba Lòng vào năm 2005 và con đường ĐT 588A nối Ba Lòng với Quốc lộ 9 thông tuyến sau đó khoảng 1 năm”, bà Hồng nói.

Sau khi có trục đường huyết mạch nối liền Ba Lòng với trung tâm huyện Đakrông, những con đường liên thôn dần được bê tông hóa, rồi những ngôi trường từ mầm non đến cấp 2, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn, bản dần được xây dựng khang trang, có điện thắp sáng, nước sạch đến từng hộ gia đình...

Cuộc sống của người dân vùng chiến khu bước sang một trang mới. Hàng trăm héc ta đất màu mỡ nhờ điều kiện thổ nhưỡng ven sông, khí hậu, thời tiết thuận lợi của vùng thung lũng đã cho ra đời những sản phẩm hoa màu như lạc, đậu xanh, ngô... với năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với các vùng quê khác.

Cùng với phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, trật tự an toàn xã hội địa bàn, Ba Lòng còn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc gia đình người có công với cách mạng… Thành tựu nổi bật đến nay là tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 9,94%; từ một xã gần như 100% nhà tranh, vách đất người dân chuyển dần sang xây nhà kiên cố với tỉ lệ trên 80%; xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thu hoạch đậu xanh ở Ba Lòng -Ảnh: M.L

Bí thư Đảng ủy xã Ba Lòng Lê Quang Hiền nhấn mạnh, để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lịch sử và truyền thống yêu nước kiên cường, xứng đáng với tên gọi xã An toàn khu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ba Lòng sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, viết tiếp trang sử mới trên quê hương anh hùng bằng việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trong vùng căn cứ cách mạng.

Bảo vệ, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử trên địa bàn để giáo dục thế hệ trẻ, khai thác du lịch... Xã tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế về đất đai trong phát triển sản xuất, xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, phấn đấu đưa Ba Lòng trở thành xã nông thôn mới vào năm 2025.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/viet-tiep-trang-su-moi-tren-vung-dat-chien-khu/176525.htm