Viết tiếp tình yêu với Điện Biên

Sinh ra tại Nghệ An, nhà văn Phan Đức Lộc in dấu với nhiều tác phẩm về vùng Tây Bắc. Tác phẩm mới của anh, 'Mùa ban thay áo', là một trong 17 ấn phẩm kỷ niệm 70 năm chiến thắng .

Thượng úy, nhà văn Phan Đức Lộc. Ảnh: NVCC.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), nhiều cuốn sách về sự kiện lịch sử và vùng đất Tây Bắc đã được phát hành hành. Phần nhiều trong đó là sách của những cây bút lớn tuổi: hồi ức của tướng lĩnh, các chiến sĩ Điện Biên, sách của các nhà nghiên cứu, những nhà văn tên tuổi... Mùa ban thay áo (Nhà xuất bản Kim Đồng) thuộc số ít tác phẩm của cây bút trẻ viết tiếp tình yêu với Điện Biên.

Tác giả cuốn sách là thượng úy công an Phan Đức Lộc, - một cây bút trẻ trên văn đàn. Hiện Đức Lộc có 9 tác phẩm được in ấn và phát hành, 20 giải thưởng văn học các cấp.

Quá khứ, hiện tại song hành ở xứ sở hoa ban

- Từ khi nào những chất liệu vùng cao đã truyền cảm hứng cho sáng tác của Đức Lộc và tại sao?

- Thời sinh viên, cứ vào dịp nghỉ hè, tôi lại lên huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) thăm gia đình dì ruột tôi và ở lại đó cả tháng trời. Cảnh sắc và con người nơi đây đã tạo cảm hứng cho tôi viết một số truyện ngắn như: Thung lũng Mưa, Con chim lam về rừng, Bông ban nở muộn… Trên một tờ báo lớn, nhà thơ Trần Đăng Khoa có dành lời động viên cho tôi. Tôi cảm động, trân trọng và thầm nghĩ mình đã chọn đúng hướng.

Tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về Điện Biên công tác. Theo một cách tự nhiên nhất, chất liệu vùng cao Tây Bắc cứ thẩm thấu vào tâm hồn tôi mỗi ngày một chút. Và tôi luôn thấy mình nhập tâm, trào dâng niềm hứng khởi khi viết về đề tài này.

- Đối với không gian Điện Biên, anh thấy có điều gì ấn tượng?

- Điện Biên là vùng đất có thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, con người thân thiện và kiên cường. Tròn 70 năm trước, đồng bào các dân tộc anh em nơi đây cùng những người yêu nước trên mọi miền Tổ quốc đã góp sức tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Mỗi độ tháng 5 về, tôi cũng như được sống trong không khí lịch sử hào hùng, vẻ vang ấy. Quá khứ và hiện tại luôn song hành trong từng chặng đường phát triển của xứ sở hoa ban. Trong sâu thẳm tâm khảm tôi thì ở Điện Biên, mỗi ngọn núi đã dạy ta một bài học sinh tồn, mỗi dòng suối đều mang trong mình giấc mộng xuôi về biển lớn, mỗi ngọn cỏ đều chứa một vần thơ, mỗi dáng cây đã là một sự tích.

Phải nói thêm rằng, có lẽ không ở nơi đâu mà hoa ban nhiều và đẹp như Điện Biên. Ban trắng tinh khôi và hồn nhiên đến mức khiến người ta có thể bâng khuâng…

- Anh từng nói rằng: “Khi sự trải nghiệm đủ chín, sự cảm nhận đủ chạm, tôi mang những điều tôi ấn tượng vào truyện dài Mùa ban thay áo”, vậy trải nghiệm đủ chín, cảm nhận đủ chạm ở đây có thể cắt nghĩa sâu hơn là như nào?

- “Sự trải nghiệm đủ chín” là khi tôi tích lũy được những hiểu biết cơ bản lịch sử, địa lý, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán… của Điện Biên và tìm được những câu chuyện ý nghĩa. Còn “sự cảm nhận đủ chạm” là lúc tôi thấy bản thân thực sự đã trở thành một người con của xứ sở hoa ban, tha thiết xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Để rồi, mỗi lần tôi về Nghệ An quê tôi nghỉ phép, lòng lại đau đáu nhớ Điện Biên tương tự lúc ở Điện Biên, tôi nôn nao nhớ về xứ Nghệ.

Lắng nghe nhiều hơn để viết sâu hơn

- Trong các tác phẩm của mình, Phan Đức Lộc chú trọng những thông điệp gì đến bạn đọc nhỏ?

- Cái hay của một tác phẩm văn chương là tính đa nghĩa, để mỗi độc giả tự tìm ra được những cách hiểu, góc nhìn, bài học, triết lý khác nhau. Tôi tâm niệm rằng, dù viết về đề tài gì đi chăng nữa, cách tân đặc sắc ra sao thì điều cốt lõi của một tác phẩm đích thực luôn là giá trị nhân văn.

Trong truyện dài Mùa ban thay áo này, tôi mong muốn bạn đọc kết nối được những thông điệp về tình yêu giữa con người với con người, với thiên nhiên và đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, vượt lên mọi hoàn cảnh khốc liệt, như hình ảnh lớp lớp cây ban non vẫn mọc lên tươi tốt sau những đợt mưa bom, bão đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

- Theo anh, để khai thác các chất liệu lịch sử người viết cần chú trọng vào những điều gì?

- Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để tự tin đưa ra những đúc kết mang tính phổ quát cho câu hỏi khó này. Tuy nhiên, thành thật mà chia sẻ, trong quá trình hình thành ý tưởng và bắt đầu viết truyện dài Mùa ban thay áo, tôi gặp khó khăn vì những hiểu biết của mình về chiến dịch Điện Biên Phủ còn mang tính sách vở.

Không những thế, sự cách biệt thời gian, thế hệ khiến ban đầu tôi khá lúng túng trong việc nhập vai nhân vật để kể chuyện. Tôi đã cố gắng lấp đầy khoảng trống ấy bằng các cách: Thứ nhất, tôi đọc mở rộng các nguồn sử liệu khác nhau.

Bìa 1 cuốn Mùa ban thay áo. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Thứ hai, tôi cố gắng phỏng vấn những người lính từng tham gia kháng chiến, lắng nghe và ghi chép lại những trải nghiệm, hoài niệm, cảm xúc của họ. Đồng thời, tôi xin phép trao đổi, đặt các câu hỏi để khai thác sâu hơn những câu chuyện bên lề.

Thứ ba, tôi tranh thủ đi thăm những địa danh lịch sử quan trọng trên địa bàn như: Đèo Pha Đin, đèo Tằng Quái, đồi A1, đồng Mường Thanh, sông Nậm Rốm, hầm Đờ-cát... nhằm lấy nguồn cảm hứng chân thật và sống động nhất, để thực sự hòa vào bối cảnh.

- Làm sao để có thể duy trì một sự sáng tạo dồi dào trong sự nghiệp viết của mình?

- Để có thời gian cho văn chương, tôi lựa chọn một lối sống tối giản nhất có thể, nghĩa là hạn chế các cuộc tụ tập, giải trí, thậm chí... ngủ ít đi. Tôi tự đặt ra một kỉ luật khá nghiêm khắc với bản thân. Tối thiểu mỗi ngày, tôi sẽ đọc khoảng 20 trang sách và viết khoảng 500 từ, đều đặn như vậy.

Đối với tôi, sự viết giờ đây không chỉ dừng lại ở bản năng hay nhu cầu nữa, mà còn nó là trách nhiệm, là một phương cách tự chữa lành, trước hết cho chính mình.

Sau những thất bại, va đập, tổn thương, mất mát, vỡ mộng thì văn chương vẫn luôn ở bên tôi, chịu đựng tôi, chở che tôi, cho tôi cơ hội được tái sinh và lựa chọn những phiên bản mà mình mong muốn. Từ đó, tôi sống lạc quan và bản lĩnh hơn. Những lý do quan trọng ấy là động lực thôi thúc tôi viết liên tục.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chang-trai-mien-xuoi-gui-tinh-yeu-van-chuong-den-tay-bac-post1473488.html