Viết tiếp bản anh hùng ca Điện Biên Phủ thời đại mới

Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất diệt trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Để rồi, khí phách Điện Biên Phủ hào hùng và tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, đã trở thành hào khí non sông, thấm sâu vào mạch nguồn dân tộc, trở thành động lực và tiếp thêm sức mạnh để thôi thúc hậu thế khát vọng viết tiếp khúc tráng ca Điện Biên Phủ thời đại mới...

Tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt là cội nguồn sức mạnh. (Trong ảnh: Sự kiện “Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ”, được tổ chức tại Thanh Hóa hồi tháng 4/2024).

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa hai tiếng Việt Nam trở thành biểu tượng ngời sáng của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; đồng thời, là minh chứng cho quy luật lịch sử: “Một dân tộc quyết tâm đấu tranh giành tự do và được những chiến sĩ đã tôi luyện giáo dục và lãnh đạo theo những nguyên lý khoa học đã được thực tế xác nhận, là một dân tộc mà không một lực lượng nào có thể quật ngã được”! Như cảm tưởng của Thiếu tá Mô-ta, Phái đoàn quân sự Vê-nê-zuê-la sang thăm Việt Nam, ngày 20/1/1964, nói về Việt Nam rằng “đất nước này trở thành kỳ diệu”. “Chúng tôi đã thấy được tất cả quá trình đấu tranh, quá trình tổ chức, sự hy sinh và sự vận dụng đúng đắn các phương pháp cả về chiến lược và chiến thuật trong một cuộc đấu tranh giải phóng. Tinh thần kháng chiến, sự dũng cảm cao độ cho đến sự bền bỉ phi thường là những chỗ dựa chắc chắn cho một quan điểm chính trị vững vàng và một quan điểm chiến tranh đúng đắn, khi biết kết hợp tất cả những lực lượng và tài nguyên của đất nước bằng một sự động viên toàn diện. Tất cả quá trình anh hùng này là phương pháp duy nhất đạt tới đỉnh cao của nó là chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đó được thể hiện bằng mối liên kết hữu cơ, tinh thần đoàn kết của cả nước và lời hứa làm cho Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc. Vì chính cái thắng lợi giành được đã làm cho đất nước này trở thành kỳ diệu, anh hùng ở vùng Đông Nam Á, tấm gương sáng cho loài người và cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho tự do và chủ quyền của mình”.

Dẫu yêu chuộng hòa bình nên không bao giờ mong muốn chiến tranh, nhưng hàng nghìn năm qua, dân tộc Việt Nam buộc phải cầm súng gươm, gậy gộc để chống lại kẻ thù. Bởi suy cho cùng, đánh đuổi các thế lực ngoại bang ra khỏi bờ cõi là bước khởi đầu để thực hiện khát vọng “non sông nghìn thuở vững âu vàng” của tiền nhân. Nói cách khác, tranh đấu cho hòa bình, độc lập, tự do cũng chính là để thực hiện “lời hứa làm cho Tổ quốc phồn vinh, hạnh phúc”. Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, khí phách Điện Biên Phủ hào hùng, tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt. Đó là hào khí non sông đã thấm sâu vào mạch nguồn dân tộc, trở thành điểm tựa, thành động lực để Việt Nam vững tin bước trên con đường dựng xây đất nước giàu mạnh, Nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Vinh dự và tự hào khi mỗi dấu mốc đặc biệt của lịch sử dân tộc, hay qua mỗi giai đoạn cách mạng, Thanh Hóa đều ghi dấu ấn đậm nét, với những đóng góp rất quan trọng. Chỉ 2 tháng sau khi ra “Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ngày 20/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm Thanh Hóa. Trong bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào trong tỉnh, Người căn dặn: “Một tỉnh mô phạm, chẳng những mô phạm ở một mặt mà phải ở nhiều mặt; kháng chiến khắp mọi mặt, kiến thiết khắp mọi mặt. Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Có ruộng phải cày cho có lúa, có người nhưng phải phân phối thế nào”.

Giữa bối cảnh hết sức khó khăn của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, thế nhưng Bác Hồ vẫn dành niềm tin rất lớn đối với công việc kiến thiết tỉnh Thanh Hóa. Để rồi, không phụ sự tin tưởng của Người, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ, tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, để ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trở thành hậu phương lớn cho các chiến trường. Đặc biệt, Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đóng góp quan trọng của Thanh Hóa đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”!

Tròn 7 thập kỷ đã đi qua, kể từ khi đạn bom cày nát cánh đồng Mường Thanh và máu lửa đã làm đổi màu một khúc sông Nậm Rốm. Đó cũng là chừng ấy thời gian, đất nước tiếp tục đối diện với những thách thức mang tính sống còn, quyết định đến sự tồn vong của quốc gia - dân tộc. Song, khí phách và tinh thần quyết chiến, quyết thắng Điện Biên Phủ như mạch nguồn trong trẻo, đã thấm sâu để làm mát lành những khô cằn đá sỏi, đã biến đau thương thành sức mạnh quật khởi để làm nên những kỳ tích tưởng chừng không tưởng: Đó là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; là thành tựu của gần 40 năm đổi mới đất nước đã đưa cơ đồ, vị thế dân tộc lên một tầm cao mới...

Cùng với cả nước, Thanh Hóa vừa trở thành hậu phương lớn, vừa “chia lửa” cho chiến trường miền Nam. Đất nước giải phóng, Thanh Hóa cũng bước vào công cuộc kiến thiết và đổi mới đầy gian nan, thách thức. Song, với tinh thần yêu nước và tinh thần đoàn kết được phát huy cao độ; cùng với bản lĩnh, trí tuệ, sự sáng tạo, quyết tâm và nỗ lực vượt khó không ngơi nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã tạo được nhiều bước đột phá quan trọng, với những dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,69%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước luôn vượt dự toán; tốc độ tăng thu giai đoạn 2021-2023 đạt 11,3%. Trong đó, riêng năm 2022 đạt 51.138 tỷ đồng, là năm đầu tiên thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 51.000 tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020... An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) năm 2023 giảm xuống còn 3,52%; nhiều hộ nghèo, các đối tượng yếu thế được quan tâm về nhà ở, việc làm, thu nhập đúng với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”... Chính trị ổn định; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân được tăng cường...

Với truyền thống lịch sử hào hùng, bề dày văn hóa và nắm giữ nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nghị quyết số 58-NQ/TW và các cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương được xác định là những thời cơ, thuận lợi để Thanh Hóa tiếp tục đột phá phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, trên cơ sở nắm rõ những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra và đặc biệt là phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã và đang tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó là tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Đồng thời, quan tâm chăm lo xây dựng Đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cùng với đó, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội...

...

Đảng ta nhận định trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, phát huy cao độ nội lực và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm tạo ra sức mạnh nội sinh vĩ đại, để viết tiếp bản anh hùng ca Điện Biên Phủ thời đại mới. Như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ: “Vận hội mới đang đến với chúng ta, cùng những thách thức mới. Chúng ta càng phải tăng cường đoàn kết, tiến lên dưới ngọn cờ tất thắng của Đảng, biến những ước mơ, những hoài bão tưởng chừng như không thực hiện được, thành hiện thực. Đồng thời, phải luôn nắm vững quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, vừa xây dựng thành công đất nước giàu mạnh, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Đường kách mệnh, con đường lên hạnh phúc còn dài, nhưng chúng ta đã có những tiền đề thắng lợi. “Độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”, “lòng yêu dân, yêu nhân loại không bao giờ thay đổi”, “mưu cầu hạnh phúc cho dân”, “có dân là có tất cả", “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, đó là những điều nằm trong di sản Người để lại cho dân tộc: Tư tưởng Hồ Chí Minh”!.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/viet-tiep-ban-anh-hung-ca-dien-bien-phu-thoi-dai-moi-213448.htm