Viết tiếp bài: "Megastar bị các doanh nghiệp "tố" phạm luật": Megastar cần xem xét lại chính sách của mình

Sau khi ĐS &PL đăng tải thông tin Megastar bị "tố" phạm luật và có những dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. PV Báo ĐS &PL đã liên hệ với phía Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) để tìm hiểu thông tin chính thức về vụ việc này. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh từ chối cung cấp vì đang trong giai đoạn điều tra. Dù còn đang chờ phán quyết cuối cùng từ phía cơ quan chức năng, nhưng theo tìm hiểu của PV, chính sách "giá thuê phim tối thiểu trên mỗi đầu người xem" của Megastar đã tác động xấu đến các rạp và lớn hơn là tới thị trường điện ảnh Việt Nam...

>> Áp dụng chính sách " Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem": Megastar bị các doanh nghiệp "tố" phạm luật Sự im lặng của... kẻ mạnh Ông Nguyễn Thanh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia phàn nàn tại cuộc họp giữa các doanh nghiệp: "Dù có quan hệ thân thiết với Megastar trung tâm cũng đã làm việc với nhau nhiều lần. Tuy nhiên, việc phát hành phim của Megastar gây khó khăn cho hoạt động chiếu phim của trung tâm. Trung tâm rất khó tiếp cận phim hoạt hình của Megastar để chiếu phim cho thiếu nhi". ông Dương nêu ý kiến: "Trong suốt 6 tháng cuối năm 2009, trung tâm đã nhiều lần làm việc với Megastar nhưng chưa đi đến thay đổi nào trên thực tế. Theo quan điểm của ông Dương, Megastar cần xem xét lại chính sách của mình để hoạt động đúng pháp luật và tính đến lợi ích các bên mà không bỏ qua lợi ích của khán giả.” Tại cuộc họp ngày 25/6/2010, đại diện các doanh nghiệp cũng đã nêu ra nhiều ý kiến xung quanh việc Megastar “thỏa thuận theo kiểu áp đặt", ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông - Điện ảnh Sài Gòn phát biểu: "Từ sự việc của Megastar, chúng ta cần phân khúc thị trường để hài hòa lợi ích các bên. Ngành cũng cần xem lại chính sách để khuyến khích phát triển nền điện ảnh nước nhà". ông Dương Nguyễn Y Linh - đại diện cho hai công ty: Công ty cổ phần Điện ảnh 212 và Công ty cổ phần Sài Gòn điện ảnh cho rằng: "Nếu vấn đề nằm ở cách hành xử làm việc của Megastar thì sẽ đơn giản. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chính sách kinh doanh. Không chỉ Megastar là đơn vị nhập phim "bom tấn" và chiếu gần ngày với thị trường Mỹ. Cũng có nhiều doanh nghiệp khác nhập phim này và cũng chiếu gần ngày với thị trường Mỹ nhưng không hề buộc áp dụng các điều kiện như Megastar đã thực hiện. Điều đó là can thiệp thô bạo vào chính sách tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp". Theo Tổng giám đốc Công ty TNHHMTV Điện ảnh Hà Nội - Mai Tiến Dũng: "Doanh nghiệp đã từng đề nghị có phim vòng 1 để chiếu nhưng khi gửi văn bản yêu cầu Megastar lại không trả lời. Doanh nghiệp không có cơ hội thương thảo, nói chuyện với Megastar. Họ đưa doanh mục phim cho công ty nhưng sau đó lại im lặng về việc đưa phim". Trên 30%... chưa thể thống lĩnh thị trường (?) Do có một nhà đầu tư châu âu chiếm tới 90% vốn điều lệ của Megastar, tranh chấp này sẽ là cuộc tranh luận nảy lửa giữa việc phải áp dụng những nguyên tắc, thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế (đại diện bởi Megastar) về cạnh tranh -mà Việt nam với tư cách thành viên WTO phải tôn trọng - với việc áp dụng Luật Cạnh tranh của ta. Đã có quan ngại, việc xác định Megastar có vị trí thống lĩnh thị trường hay không, không hề dễ dàng. Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn cũng chưa nêu đủ, rõ ràng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế các tiêu chí xác định thị phần, thị trường và thị trường liên quan. Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Vân Nam - Giám đốc Công ty Luật sư Nam Hùng: “Vươn tới chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn để kiếm được nhiều lợi nhuật hơn là mơ ước và động lực kinh doanh chính đáng của mọi doanh nghiệp. Bản thân việc có thị phần trên 30% không phải là có tội và cũng chưa phải là đã đủ để có thể thống lĩnh thị trường (TLTT). Chỉ doanh nghiệp nào với thị phần này và có khả năng hạn chế quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp khác, mới là có vị trí TLTT. Khác với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, luật Cạnh tranh của ta (Khoản 1, Điều 11) qui định doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên đã là có vị trí TLTT (Quốc tế: thị phần 30% trở lên và có khả năng hạn chế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác). Sự khác nhau này sẽ gây ra tranh luận dữ dội giữa quan điểm quốc tế và quan điểm Việt Nam". Theo GS.TS Nam, việc đánh giá sự việc của Megastar dưới góc độ của Luật Cạnh tranh cần rất thận trọng và nên tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. ĐÔNG PHƯƠNG Sự kiện 6 doanh nghiệp (DN) chiếu phim gửi đơn khiếu nại tập thể lên Cục quản lý Cạnh tranh yêu cầu bảo vệ trước hoạt động kinh doanh được cho là vi phạm Luật Cạnh tranh của công ty Megastar là một sự kiện đáng mừng. Nó cho thấy doanh nghiệp ngày càng nhận ra tầm quan trọng có tính chất quyết định của Luật trong hoạt động kinh doanh, sẽ cho thấy năng lực của Cục Quản lý Cạnh tranh đến đâu, đồng thời cũng làm bộc lộ những thiếu sót chết người trong Luật Cạnh tranh của chúng ta. (GS.TS Nguyễn Vân Nam - Giám đốc công ty Luật sư Nam Hùng)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=6519&lang=vn&zone=6&zoneparent=0