Việt Nam vay vốn nước ngoài hơn 2,023 tỷ USD

Bộ Tài chính cho biết đã có 21 hiệp định vay được ký kết với tổng trị giá hơn 2,023 tỷ USD, tương đương 45.316 tỷ đồng.

21 hiệp định vay vốn nước ngoài được ký

Theo tin từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, trong tháng 7/2017, Chính phủ đã thực hiện ký kết 1 hiệp định vay của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho dự án quản lý nước Bến Tre, với trị giá 220,5 triệu USD.

Trong tháng 7, Chính phủ đã ký kết thêm 1 Hiệp định vay nước ngoài (Nhật Bản) với trị giá 220,5 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm đã ký kết 21 Hiệp định vay với tổng trị giá 2.023,08 triệu USD tương đương 45.316 tỷ đồng; tổng trị giá vốn vay ODA, ưu đãi đã giải ngân đạt 3.565 tỷ đồng.

Lũy kế đến 31/7/2017, tổng trị giá giải ngân ước đạt 41.710 tỷ đồng bằng 42% kế hoạch cả năm (98.760 tỷ đồng).

Trong tháng 7/2017, tổng trị giá trả nợ của Chính phủ là 18.050 tỷ đồng. Lũy kế đến 31/7/2017 tổng trị giá chi trả nợ là 154.737 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 131.044 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 23.693 tỷ đồng.

Được biết vào quý I, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã thực hiện ký kết 4 hiệp định với tổng trị giá là 293 triệu USD, như: hiệp định vay Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc với trị giá 150 triệu USD.

Hiệp định vay với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu Quảng Nam – Quảng Bình với trị giá 100 triệu USD.

Hiệp định vay Quỹ phát triển nông nghiệp thế giới (IFAD) cho dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn với trị giá 42,5 triệu USD. Hiệp định vay IFAD cho dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn với trị giá 0,5 triệu USD.

Bội chi ngân sách trung ương ước là 87.200 nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5 nghìn tỷ đồng so với tháng 6, lũy kế đến hết tháng 7, ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6%  so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với tháng 6, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017 theo chế độ quy định. Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2016.

Thu từ dầu thô tháng 7 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 660 tỷ đồng so với tháng 6. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 6/2017 dao động ở mức thấp (khoảng 46-48 USD/thùng); giá dầu thanh toán bình quân trong kỳ khoảng 48 USD/thùng, giảm 2 USD/thùng so với giá dự toán năm.

Lũy kế đến hết tháng 7 ước đạt 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng dầu thanh toán 7 tháng ước đạt 7,94 triệu tấn, bằng 64,6% kế hoạch, bằng 88,6% so với cùng kỳ năm 2016; giá dầu thanh toán bình quân 7 tháng khoảng 53,7 USD/thùng, cao hơn 3,7 USD/thùng so với giá tính dự toán năm.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7 ước đạt 22 nghìn tỷ đồng, sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (6,1 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt 15,87 nghìn tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 7 ước 110,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 7 tháng đạt 695,16 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 7 tháng đạt khoảng 119,36 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4% dự toán năm, tăng 15,1% cùng kỳ năm 2016. Chi trả nợ lãi ước thực hiện 7 tháng đạt 62,29 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán năm, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2016. Chi thường xuyên ước thực hiện 7 tháng đạt 511,29 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán năm, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016.

Tính đến hết tháng 7/2017, bội chi ngân sách trung ương ước là 87,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 50,6% dự toán; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.

Theo Châu Huệ/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/viet-nam-vay-von-nuoc-ngoai-hon-2023-ty-usd-212597/