Việt Nam-UAE: 'Deadline' cho CEPA, tương lai cho Halal

Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1993-2023), Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã có chuyến thăm chính thức thành công tới Việt Nam (từ ngày 13-14/6) với những trao đổi thực chất để mọi nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là về kinh tế từ cả hai phía sớm 'đơm hoa, kết trái'.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan. (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã chào Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao hai nước.

Đối tác quan trọng tại Đông Nam Á

Có thể khẳng định, hoạt động trao đổi đoàn sôi động giữa hai nước thời gian gần đây là minh chứng rõ nét cho đà phát triển trong quan hệ song phương.

UAE nhiều lần nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và UAE kể từ Tham vấn chính trị lần thứ hai giữa hai Bộ Ngoại giao (2/2023), đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng như chính trị - ngoại giao, kinh tế-thương mại, đầu tư, dầu khí, năng lượng tái tạo, du lịch... có những chuyển biến tích cực.

Trên cơ sở đó, nhân dịp này, hai bên thống nhất về các biện pháp, kế hoạch hai nước cần phối hợp triển khai để tiếp tục khai phá tiềm năng lớn trong hợp tác song phương.

Cụ thể, hai bên nhất trí cần tăng cường vai trò đầu mối của hai Bộ Ngoại giao, hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao để tạo đột phá cho hợp tác; tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương; nâng cao hiệu quả của cơ chế Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; phát huy vai trò của Việt Nam và UAE trong quan hệ giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC); đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư…

Việt Nam hoan nghênh UAE đăng cai Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), nhấn mạnh sẽ tích cực phối hợp với UAE cũng như các nước thành viên khác tham gia Công ước, vì thành công của COP28.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao, trong đó có “Ngày văn hóa Việt Nam tại UAE”, góp phần nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện-ưu tiên hàng đầu

Thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) trong năm 2023 là một điểm nhấn trong khuôn khổ chuyến thăm, thể hiện quyết tâm rất lớn từ hai phía để tạo đột phá cho hợp tác kinh tế. Trong các trao đổi, Bộ trưởng Abdullah bin Zayed Al Nahyan khẳng định ký kết CEPA là ưu tiên hàng đầu của UAE trong hợp tác với Việt Nam.

Vì sao CEPA lại được kỳ vọng như vậy? CEPA sẽ bao gồm các điều khoản ưu đãi về thương mại và đầu tư, là cơ sở pháp lý cho phát triển quan hệ kinh tế quốc tế vững chắc giữa UAE và quốc gia khác. Khi được ký kết, CEPA giữa hai nước sẽ là cột mốc quan trọng, mở ra giai đoạn mới về hợp tác toàn diện, đặc biệt về kinh tế giữa Việt Nam và UAE.

Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về thương mại, đầu tư giữa hai bên, bằng cách giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư.

Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước. Ngày 5/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi-Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE đã tuyên bố khai mạc vòng đàm phán CEPA đầu tiên tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-6/6.

Hiện nay, trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp, quỹ của UAE đầu tư và chuyển giao công nghệ vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như logistics, bất động sản, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn UAE chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên…

Hai bên đang thúc đẩy tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng khác có cùng quan tâm như năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Ngay sau chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (tháng 5/2023), UAE đã chủ động đẩy mạnh hợp tác lao động với đề nghị lớn chưa từng có: Việt Nam cử 100.000 lao động có tay nghề sang làm việc tại UAE trong thời gian tới.

Do vậy, lĩnh vực hợp tác lao động cũng được Bộ trưởng Ngoại giao UAE nhấn mạnh lần này. Bộ trưởng đánh giá cao đóng góp của lao động Việt Nam cho sự phát triển của UAE và mong muốn hai bên tăng cường hợp tác để thúc đẩy, sớm đưa thêm lao động tay nghề cao của Việt Nam đến UAE.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan hội đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan hội đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Điểm gặp” Halal

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển kinh tế Hồi giáo Dubai, năm 2023, các nước thuộc GCC đã nhập khẩu 50 tỷ USD, các nước Hồi giáo trên thế giới dự kiến chi khoảng 2,4 nghìn tỷ USD cho các sản phẩm Halal và tiếp tục tăng lên theo thời gian.

Hiện nay, UAE là quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp Halal, đồng thời, đây cũng là trung tâm giao dịch thương mại quốc tế và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước GCC và khu vực Trung Đông, châu Phi.

Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp dồi dào, phong phú, có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đang phát triển mạnh. Do vậy, “gặp gỡ” ở “điểm giao” Halal chắc chắn sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai phía.

Trước thực tế như vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Việt Nam đề nghị UAE hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ Halal, đầu tư sản xuất sản phẩm Halal và xây dựng các cơ chế hợp tác về chứng nhận Halal ở Việt Nam, góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn, việc tăng cường hợp tác với UAE trong tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp Halal để thúc đẩy xuất khẩu là rất cần thiết. Trước mắt, Việt Nam và UAE cần thúc đẩy đàm phán để ký thỏa thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước (chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt và chế biến).

Tiếp đó, hai bên cần triển khai các bước đi cụ thể như: Xúc tiến công nhận các tiêu chuẩn và thực hành trong lĩnh vực công nhận, chứng nhận và đánh giá cho các đơn vị của Việt Nam; hợp tác với các đơn vị cấp giấy chứng nhận Halal của UAE để có thể cung cấp thông tin đầu vào hữu ích cho cả các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách cung cấp hàng hóa cho thị trường Halal; và hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về Halal để thống nhất các tiêu chuẩn và cách giải thích về Halal, xây dựng nhân sự có năng lực để xử lý toàn bộ chuỗi giá trị và đảm bảo rằng có sự hài hòa về chứng chỉ Halal toàn cầu.

“Sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam triển khai các đề xuất hợp tác một cách thực chất, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực, nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến” là cam kết Bộ trưởng Abdullah bin Zayed Al Nahyan đưa ra cuối buổi chào Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trở về UAE sau chuyến thăm lần thứ ba tới Việt Nam, chắc chắn những “đầu mục” trong hợp tác với Việt Nam, nhất là “deadline” CEPA sẽ được Bộ trưởng Abdullah bin Zayed Al Nahyan lưu tâm thúc đẩy.

UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE đạt 3,8 tỷ USD và nhập khẩu từ UAE 582,6 triệu USD. Việt Nam chiếm khoảng 2,2% thị phần nhập khẩu tại UAE và UAE chiếm khoảng 0,2% thị phần nhập khẩu của Việt Nam.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-uae-deadline-cho-cepa-tuong-lai-cho-halal-231017.html