Việt Nam thịnh vượng khi doanh nghiệp Việt có giấc mơ lớn, khát vọng lớn

CNTT và Truyền thông không còn là ngành hỗ trợ mà đã trở thành lực lượng sản xuất chính. Doanh nghiệp công nghệ Việt cần có khát vọng lớn, ý chí mạnh mẽ để đưa đất nước vươn lên.

Ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gặp gỡ và giao lưu với đại diện hơn 20 hội, hiệp hội và câu lạc bộ trong ngành ICT Việt Nam. Chuỗi hoạt động này nhằm trao đổi, chia sẻ và khởi động cho nhiều sự kiện của các hội, hiệp hội ICT nhân dịp đầu xuân năm mới.

Nhà nước luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp ICT

Tại buổi gặp mặt do Hội Tin học Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng biểu dương các hội, hiệp hội ngành ICT Việt Nam vì những kết quả toàn diện trên các mặt hoạt động, từ tư vấn, phản biện chính sách, xây dựng các chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng, đến hỗ trợ các doanh nghiệp, phát triển thị trường, nguồn nhân lực ICT, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Đánh giá cao đóng góp của các hội, hiệp hội trong ngành, Bộ trưởng nhận định, cộng đồng ICT Việt Nam đang ngày càng đa dạng và chuyên sâu, thực hiện tốt vai trò tập hợp ý chí, nguyện vọng của các doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là kênh tham khảo quan trọng để Bộ TT&TT xem xét, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dự buổi gặp mặt do Hội Tin học Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều hội, hiệp hội ngành ICT. Ảnh: Thạch Thảo

Theo Bộ trưởng, để hóa rồng, hóa hổ, quốc gia cần một “đôi cánh” tinh thần và vật chất. Bên tinh thần, đó là khát vọng, giấc mơ lớn, bên vật chất chủ yếu là công nghệ số. Ngành CNTT và Truyền thông có sứ mệnh tạo thành “đôi cánh” để Việt Nam bay lên.

“Ngành CNTT và Truyền thông không còn là ngành hỗ trợ sự phát triển nữa mà giờ đây đã trở thành lực lượng lao động, lực lượng sản xuất chính”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một trong những cơ hội để thay đổi thứ hạng Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các ứng dụng AI. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử. Việc ứng dụng AI, nhất là AI diện hẹp sẽ bứt phá trong năm nay. Đây là lúc cần tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, đưa AI thâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng ICT Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng lĩnh vực của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao vai trò của các hội, hiệp hội trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành TT&TT. Ảnh: Thạch Thảo

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT sẽ không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo không gian mới để cộng đồng ICT Việt Nam hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định và phát triển.

“Nhà nước luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các hội, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của ngành ICT và kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Giấc mơ lớn, khát vọng lớn để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội

Thông điệp về việc Nhà nước luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp ICT cũng được người đứng đầu ngành TT&TT gửi đến các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA).

Theo đó, Nhà nước Việt Nam, Bộ TT&TT luôn đánh giá cao và coi trọng các doanh nghiệp công nghệ số dân tộc, coi đây là nhân tố chính để phát triển đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi gặp mặt đầu năm của Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Các doanh nghiệp công nghệ số sẽ là nhân tố chính trong 2 cuộc chuyển dịch chính của thế kỷ này, đó là chuyển dịch số và chuyển dịch xanh. Việt Nam đã hòa bình, thống nhất, thoát nghèo, lại có lợi thế về gen trong các lĩnh vực liên quan đến STEM, do đó hội đủ các điều kiện để tận dụng cuộc CMCN 4.0, từ đó bứt phá vươn lên thành một nước phát triển.

Bộ trưởng đặt kỳ vọng Việt Nam sẽ biến mình trở thành hub của ngành bán dẫn toàn cầu, trước hết là hub nhân lực, sau đó là hub về testing (kiểm thử), đóng gói, sản xuất...

Việc phát triển chip phải được đặt trong một bức tranh lớn, đồng hành cùng ngành công nghiệp điện tử. Song song đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tạo ra các ứng dụng để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT luôn đánh giá cao và coi trọng các doanh nghiệp công nghệ số dân tộc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chia sẻ với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn VINASA có giấc mơ lớn, khát vọng lớn, mục tiêu lớn để từ đó dung nạp được nhiều người, dung nạp được những người giỏi, và dung nạp được những doanh nghiệp khác.

“Mục tiêu, khát vọng lớn sẽ dẫn đến đoàn kết, dung nạp được những ý tưởng khác nhau, đặc biệt là những ý tưởng đột phá. Chúc Vinasa có khát vọng lớn hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, suy nghĩ sâu sắc và mãnh liệt hơn để tạo ra sự phát triển bứt phá, không bỏ lỡ cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Doanh nghiệp Việt Nam hãy chuyển sang làm chip

Trong chuỗi hoạt động gặp gỡ, giao lưu của các hội, hiệp hội ngành ICT, bên cạnh các thông điệp truyền cảm hứng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, còn một câu chuyện gây nhiều ấn tượng. Đó là lời kêu gọi các doanh nghiệp Việt cùng làm chip của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Theo Chủ tịch FPT, 25 năm trước, không ai tin Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia xuất khẩu phần mềm. Thế nhưng giờ đây chúng ta đã làm được, thậm chí doanh thu xuất khẩu phần mềm chỉ tính riêng FPT đã vượt mốc 1 tỷ USD.

Với những chuyển dịch địa chính trị gần đây, Việt Nam có cơ hội bước vào ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Trương Gia Bình cho rằng, để làm được, các doanh nghiệp trong nước cần phải có khát vọng, phải vẽ ra được tương lai để thuyết phục người khác tin vào đó, thay vì nhìn vào những thứ đang có sẵn.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mong có sự tham gia của các hội, hiệp hội ICT vào ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Thạch Thảo

Nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt trên toàn cầu. Thông thường, các nước khác phải mất 18 tháng để chuyển một kỹ sư viết phần mềm sang thành kỹ sư thiết kế chip.

Nếu thiết kế chi tiết đã được phân khu sẵn, các kỹ sư Việt có thể chuyển đổi trong vòng 3 tháng, sau đó chia nhỏ việc để vừa học vừa làm. Với cách nghĩ này, ông Bình kêu gọi các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cùng chuyển sang thiết kế chip.

“Chúng ta có thể học theo tư tưởng của MediaTek, bán chip với giá rẻ hơn hoặc nghĩ ra những con chip hoàn toàn mới, nhưng đó phải là chip AI, dòng chip càng dùng nhiều càng thông minh”, ông Trương Gia Bình nói

Qua khảo sát của VINASA, nhiều chuyên gia Việt ở Mỹ sẵn sàng từ bỏ các hãng lớn như Qualcomm, Amkor về Việt Nam làm việc. Để tiến nhanh vào lĩnh vực sản xuất chip, Hiệp hội VINASA sẽ đứng ra tập hợp lực lượng các chuyên gia người Việt đang làm chip trên toàn cầu.

Ông Trương Gia Bình cho rằng, không chỉ VINASA, tất cả các hội, hiệp hội khác trong ngành ICT đều có thể tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất ra những con chip gắn bó với lĩnh vực của mình. Nếu tất cả các hội, hiệp hội cùng dịch chuyển, Việt Nam có thể làm chủ ngành công nghiệp điện tử và bước vào hàng ngũ các dân tộc xuất sắc nhất.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-thinh-vuong-khi-doanh-nghiep-viet-co-giac-mo-lon-khat-vong-lon-2257020.html