Việt Nam sẽ đón làn sóng đầu tư mới từ Ấn Độ

Việt Nam được coi là trụ cột trong chính sách hướng đông của Ấn Độ. Tính đến cuối năm 2015, Ấn Độ đã có 118 dự án đầu tư tại Việt Nam, với vốn đăng ký 439 triệu USD, đứng thứ 28/62 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Chiều ngày 2/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ban ngành và đại diện doanh nghiệp của 2 nước.

Phát biểu tại chương trình, ông Đỗ Huy - đại diện Bộ Công thương cho biết Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng đông của Ấn Độ. Ngược lại, Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2015 lên đến 5,1 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,4 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 2,6 tỷ USD. Tính đến tháng 7/2016, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt 2,9 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước sẽ nâng lên 15 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn Độ là điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, than đá, cao su, quặng, nông sản…Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là nguyên phụ liệu thức ăn gia súc, dược phẩm, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Theo ông Nguyễn Nội, đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư, Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ.

Tính đến tháng 12/2015, Ấn Độ đã có 118 dự án đầu tư tại Việt Nam, với vốn đăng ký 439 triệu USD đứng thứ 28/62 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 9/2016, Ấn Độ đầu tư thêm 85 triệu USD vào Việt Nam nâng tổng số vốn đầu tư lên 524 triệu USD tập trung chủ yếu vào các ngành khai khoáng, dầu khí, chế biến khoảng sản, công nghệ thông tin, chế biến nông sản...

Ông Naushad Forbes, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ

Ông Naushad Forbes, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ cho hay Việt Nam và Ấn Độ có điểm chung về thu nhập bình quân đầu người, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa hai nước.

"Nếu cân nhắc đến định hướng phát triển các ngành công nghiệp cũng như cấu trúc thương mại của Việt Nam, các ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân công, đặc biệt là dệt may, chế biến thực phẩm, da giầy…là những ngành năng động trong ngành kinh tế. Trong khi đó, Ấn Độ lại phát triển các ngành về dược, kỹ thuật, tổng thầu, IT, dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế…", ông Forbes nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tin tưởng rằng chính những khác biệt đó sẽ tạo cơ hội cho hai bên hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh ông Forbes, nhiều đại diện doanh nghiệp đến từ Ấn Độ cũng cho biết đang tìm cơ hội đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Cũng trong chiều ngày 2/11, ông Forbes và các thành viên trong phái đoàn Ân Độ sang thăm Việt Nam đã có buổi gặp mặt Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Các doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ bày tỏ tin tưởng vào mối quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại tốt đẹp của hai quốc gia và cho rằng kim ngạch thương mại hai chiều hiện ở mức 5 tỷ USD vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên; khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chia sẻ mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ tới đầu tư tại Việt Nam nhiều hơn nữa, nhất là khi Việt Nam là thành viên của 10 hiệp định thương mại tự do của các khu vực quan trọng trên thế giới.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/viet-nam-se-don-lan-song-dau-tu-moi-tu-an-do-20161103061220184p4c145.news