"Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vũ khí Nga"

Kho tên lửa phòng không của Iran Trung Quốc 'vô tình' để lộ máy bay KJ-500 Tìm hiểu quy trình vận chuyển tàu ngầm Kilo trên biển Ông Putin thăm Việt Nam: Kí hiệp định hợp tác quân sự Putin tuyên bố rắn về Bắc Cực trong thời điểm nóng

Việt-Nga, tình hữu nghị hợp tác hiếm có

Việt Nam cũng là quốc gia thứ hai ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà ông Putin viếng thăm sau khi quay lại làm chủ điện Kremlin trong vai trò tổng thống vào tháng 3 năm ngoái. Chuyến thăm này một lần nữa cho thấy mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” ngày càng chín muồi giữa hai nước.

Trên thực tế, mối quan hệ mật thiết của Việt Nam với Liên Xô và ngày nay là Liên bang Nga có gốc rễ từ những thập niên đầu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ này đã được tăng cường những năm 1960 và 1970, đánh dấu bằng đỉnh cao là Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác Việt Xô năm 1978, vốn mang tính chất gần như là một hiệp ước đồng minh chiến lược.

Đích thân Tổng thống Putin từng khẳng định: “Tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua được những thử thách nảy sinh từ nhiều sự kiện bi thương của thế kỷ XX cũng như những biến đổi kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta. Song có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi – đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Là biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác không khi nào phản bội".

Trên thế giới hiếm có mối quan hệ nào như tình đoàn kết Việt-Nga.

Tất nhiên mối quan hệ giữa 2 nước cũng có những thời điểm trầm lắng như thời kỳ những năm 1990 chủ yếu do các vấn đề nội bộ của Nga sau khi Liên Xô tan rã và việc Kremlin tái định hướng chính sách đối ngoại hướng sang phương Tây, quan hệ hai nước đã lấy lại động lực vốn có với việc Nga trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam vào năm 2001.

Có nhiều tờ báo quốc tế cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ “đặc biệt” trong lịch sử giữa Nga và Việt Nam, nhiều giả thiết đã được đưa ra, thế nhưng có một quan điểm được nhiều người cảm nhận thấy là đúng đắn nhất được Tiến sĩ Anatoly Sokolov, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhấn mạnh trong lần ông được báo chí Mỹ phỏng vấn:

“Nhân dân Nga và Việt Nam đều trải qua các cuộc chiến tranh nặng nề. Chiến tranh luôn luôn khiến con người ta cho thấy bản chất thật của mình, chứng tỏ mình, và có lẽ điều đó đã gắn kết hai nước chăng?”

Giờ đây, mối quan hệ đối tác song phương bao gồm các cơ chế được thể chế hóa nhằm thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực lại càng được khẳng định rõ ràng hơn. Sự hợp tác mang tính toàn diện đã được nhắc tới, và thế giới đặc biệt chú tâm tới lĩnh vực hoạt động hợp tác quân sự giữa 2 nước.

Sức mạnh quân sự trong mối quan hệ Việt-Nga

Trước chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Putin, tờ CNJ của Trung Quốc nhấn mạnh: Khía cạnh nổi bật nhất của mối quan hệ ngày càng chín muồi này chính là lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Nga hiện nay là nguồn cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự chính cho Việt Nam, chiến hơn 80% giá trị vũ khí và thiết bị quân sự mà Việt Nam đã nhập khẩu trong giai đoạn 1990-2010.

Chỉ năm ngày trước chuyến thăm của Putin, Nga đã bàn giao tàu ngầm Hà Nội cho Việt Nam. Đây là chiếc đầu tiên trong số 6 chiến tàu ngầm lớp Kilo trị giá khoảng 2 tỉ đô mà Việt Nam đã đặt mua từ Nga năm 2009.

Một số đơn hàng vũ khí đáng chú ý khác mà Nga đã chuyển giao cho Việt Nam gần đây còn có 20 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK (thêm 12 chiếc được chuyển giao giai đoạn 2014-2015), 2 tàu hộ vệ lớp Gepard-3 (thêm 2 chiếc sẽ được chuyển giao năm 2014-2016), và hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P.

Nga và Việt Nam cũng được cho là đang hoàn thiện một hiệp định hợp tác quân sự nhằm chính thức hóa mối hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Giờ đây Việt Nam không chỉ nhập vũ khí của Nga mà đã chuyển sang giai đoạn nhận bàn giao công nghệ và giấy phép từ Nga để có thể tự sản xuất vũ khí từ trong nước. Đây được xem là điểm mới trong sự hợp tác quân sự chặt chẽ giữa 2 nước.

Trong quan hệ hợp tác quân sự truyền thống, đặc biệt là số vũ khí Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam cũng như sự quen thuộc của Việt Nam với công nghệ quân sự của Nga, đã khuyến khích Việt Nam chọn Nga làm nguồn cung cấp vũ khí chính.

Tờ Chinamil của Trung Quốc cho rằng, việc Moscow chuyển giao những dây chuyền chế tạo vũ khí hiện đại cho Hà Nội là điều sẽ làm thay đổi nhiều trong chiến lược toàn cầu của Nga cũng như Trung Quốc, và rõ ràng điều này sẽ khiến Mỹ phải chú tâm nhiều hơn.

Tổng thống Putin luôn đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong chiến lược hướng Đông của Nga.

Lý giải cho điều này truyền thông Trung Quốc tin rằng, nền tảng vững chắc và lâu dài trong mối quan hệ Việt-Nga khi Việt Nam tiếp tục coi Nga là một cường quốc lớn trong một thế giới đa cực và là một đối tác ngoại giao quan trọng, cùng với đó việc Nga thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á của riêng thì Việt Nam là một đối tác chủ chốt nhằm mở rộng tầm với của quốc gia này tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Anatoly Sokolov thì cho rằng, không có sự tranh giành ảnh hưởng nào đó giữa Liên Xô và Trung Quốc ở Việt Nam như báo chí Trung Quốc nhận định. Quan hệ giữa Nga và Việt Nam là quan hệ lâu dài và vững chắc.

Việc Tổng thống Putin tới Việt Nam lần này, trong chuyến thăm hai bên ký kết nhiều tài liệu quan trọng, cũng chứng tỏ ý nghĩa của Việt Nam đối với nước Nga.

Trên thực tế không chỉ tích cực hợp tác trong lĩnh vực quân sự mà những lĩnh vực kinh tế, năng lượng, khoa học vũ trụ,… cũng là chủ đề đáng quan tâm trong mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Nga, và chuyến thăm của ông Putin tới Hà Nội sắp tới chỉ là một trong nhiều minh chứng rõ rệt nhất cho điều này, tờ Tiếng nói nước Nga phân tích.

Thái Yên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/viet-nam-se-co-cong-nghe-san-xuat-vu-khi-nga-2359483/