Việt Nam nhất quán lập trường kiên quyết chống khủng bố

Dù thế giới đạt được một số thành tựu đáng kể trong những năm qua, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực 'vẫn bén rễ và phát triển' và là một mối đe dọa nghiêm trọng đòi hỏi các quốc gia cần phải 'đồng lòng chống lại mối đe dọa toàn cầu' này. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nhất quán lập trường kiên quyết lên án khủng bố dưới bất kỳ hình thức và với động cơ nào, đồng thời hợp tác trong các nỗ lực chung chống khủng bố.

Khủng bố luôn là mối đe dọa nghiêm trọng trên thế giới

Tại cuộc họp thảo luận các biện pháp để loại trừ khủng bố quốc tế do Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 tổ chức tại tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 2-10, đại diện đa số các nước đều cho rằng khủng bố vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với hòa bình, an ninh quốc tế, cũng như sự phát triển ổn định, bền vững ở nhiều quốc gia. Ở một số khu vực, các nhóm khủng bố không ngừng tìm kiếm các phương thức hoạt động mới, đẩy mạnh việc lợi dụng các công nghệ thông tin, câu kết với tội phạm xuyên quốc gia để tiến hành các hoạt động khủng bố.

Công an Hà Nội diễn tập phương án phòng chống khủng bố

Có thể nói, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan luôn là một mối đe dọa nghiêm trọng trên thế giới, đặc biệt là sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 tại nước Mỹ làm 2.977 người thiệt mạng (không bao gồm 19 đối tượng khủng bố), hơn 6.000 người khác bị thương và gây ra những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD. Sau sự kiện khủng bố chấn động toàn thế giới này, cộng đồng quốc tế bên cạnh nỗ lực của từng quốc gia, mỗi tổ chức đã cùng hợp tác trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa chung tới hòa bình, an ninh và sự ổn định của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.

Lực lượng, các tổ chức khủng bố đã suy yếu, ít có khả năng tổ chức các vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng. Tuy nhiên, do những căn nguyên sâu xa hình thành chủ nghĩa khủng bố chưa bị loại trừ trong khi các bất ổn chính trị hoặc các cuộc xung đột ở các quốc gia chính vốn là nơi dung dưỡng cho chủ nghĩa khủng bố vẫn tiếp diễn nên khủng bố hiện vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu. Những năm qua, nguy cơ khủng bố toàn cầu tiếp tục phát triển, các nhóm khủng bố quốc tế không ngừng tìm kiếm các phương thức hoạt động mới, đẩy mạnh sử dụng không gian mạng và công nghệ thông tin, cấu kết với tội phạm xuyên quốc gia.

Chủ nghĩa khủng bố hiện nay tiếp tục vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế. Trong thập niên qua, trung bình mỗi năm có tới 21.000 người thiệt mạng trong những vụ khủng bố trên toàn thế giới, chủ yếu là những dân thường vô tội.

Theo Báo cáo chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), năm 2022, số vụ tấn công khủng bố trên thế giới giảm nhưng gây thương vong nhiều hơn, với mức độ sát thương tăng 26%. Năm qua, trung bình số người thiệt mạng trong một vụ khủng bố là 1,7 người, tăng so với mức 1,3 của năm 2021 và đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này tăng trong 5 năm qua.

Chủ nghĩa khủng bố dần giảm thiểu ở Mỹ và các nước phương Tây nhưng hiện hữu nhiều hơn ở các khu vực khác, đặc biệt là ở những khu vực, quốc gia nghèo khó, xung đột, chiến tranh hay chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu… Theo đó, các nước châu Phi nghèo và bất ổn chiếm đa số trong nhóm 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chủ nghĩa khủng bố trong năm 2022 như Iraq, Somalia, Burkina Faso, Syria, Nigeria, Mali, Niger... Tuy nhiên, khi toàn cầu hóa vẫn diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, không một quốc gia hay khu vực nào có thể miễn nhiễm với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan.

Chủ động phòng chống nhằm ngăn chặn khủng bố từ sớm, từ xa

Là quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng trong một thế giới mà khủng bố vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng, Việt Nam chúng ta đã xảy ra những vụ khủng bố. Đặc biệt, lợi dụng chủ trương và sự hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng trong nước đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức phản động, chống đối ở nước ngoài hoạt động khủng bố.

Gần đây nhất và được xem là đặc biệt nghiêm trọng, vào ngày 11-6 vừa qua, một nhóm đối tượng đã gây ra vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại tỉnh Đắk Lắk, làm 9 người thiệt mạng, 2 người bị thương. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, vụ án khủng bố xảy ra do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo tấn công khủng bố.

Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Việt Nam đã mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này; đồng thời, kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự.

Tại hội nghị những người đứng đầu các cơ quan chống khủng bố của Liên hợp quốc diễn ra sau đó 9 ngày, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh Nội địa của Bộ Công an, đã nêu rõ 4 nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam.

Những diễn biến phức tạp của tình hình khủng bố trên thế giới và khu vực tiếp tục tác động tới nước ta, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện khủng bố. Theo Cục An ninh nội địa - Bộ Công an, cho biết trong những năm tới có những nguy cơ khủng bố quốc tế hiện hữu ở nước ta. Trong đó, trước sự càn quét của lực lượng chức năng các nước, không loại trừ việc một số tổ chức, cá nhân chọn Việt Nam làm nơi ẩn náu hoặc địa điểm trung chuyển đi nước thứ ba.

Dù chưa phát hiện sự tồn tại của các tổ chức khủng bố quốc tế nhưng một số cơ sở của tổ chức phản động lưu vong người Việt như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt” vẫn luôn tìm cách chống phá nước ta. Vì thế, không loại trừ khả năng những tổ chức này hợp tác với khủng bố quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam nhằm âm mưu ý đồ hoạt động. Ngoài ra, hiện có hàng chục nghìn người Việt Nam ở những khu vực có tổ chức khủng bố hoạt động mạnh như Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á… nên không loại trừ khả năng một số người này được các tổ chức khủng bố tuyển lựa và trở về Việt Nam thực hiện khủng bố.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn cảnh giác, không chút lơ là, chủ quan trước nguy cơ khủng bố, đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống nhằm ngăn chặn khủng bố từ sớm, từ xa. Cùng với việc đề cao cảnh giác và luôn sẵn sàng các biện pháp phòng chống, Việt Nam cũng rất tích cực mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, tuân thủ pháp luật Nhà nước và phù hợp với nguyên tắc, luật pháp quốc tế, nhấn mạnh tới vai trò trung tâm của Liên hợp quốc.

Phát biểu tại cuộc họp thảo luận các biện pháp để loại trừ khủng bố quốc tế ngày 2-10, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết lên án khủng bố dưới bất kỳ hình thức và với động cơ nào. Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-nhat-quan-lap-truong-kien-quyet-chong-khung-bo-post553771.antd