Việt Nam - New Zealand hướng tới Đối tác chiến lược

Cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, tháng 11/2017. Ảnh: TTXVN

Hôm nay (22/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

Cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai Thủ tướng thể hiện mong muốn và cam kết của Việt Nam, cùng New Zealand nỗ lực sớm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, phù hợp với tinh thần của Tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến New Zealand năm 2018 về việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược.

New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 19/6/1975. Trong suốt 45 năm qua, quan hệ Việt Nam - New Zealand phát triển tích cực và bền vững. Tháng 11/1995, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh được thiết lập. Tháng 5/2003, Việt Nam lập Đại sứ quán tại New Zealand và năm 2005 mở Văn phòng Thương vụ tại thành phố Aukland, đến cuối 2007 chuyển về Thủ đô Wellington.

Tháng 9/2009, Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là cột mốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Những năm gần đây quan hệ hai nước phát triển nhanh. Hai bên đã ký Chương trình Hành động giai đoạn 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác toàn diện, ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện hướng tới Đối tác chiến lược (tháng 3/2015); ký Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020 bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền Jerry Mateparae (tháng 8/2013); Thủ tướng New Zealand John Key (tháng 7/2010 và tháng 11/2015); Thủ tướng Jacinda Ardern dự Hội nghị Cấp cao APEC tháng 11/2017).

Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm New Zealand của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 9/2009), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3/2015); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 3/2018).

Ngoài ra, các cơ chế hợp tác song phương như Tham khảo Chính trị, Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại, Đối thoại Chính sách Quốc phòng được tổ chức thường kỳ. Lần đầu tiên hai bên họp cơ chế Đối thoại Chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng (tháng 11/2015).

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều tăng qua các năm. Tính đến hết năm 2018, New Zealand có 28 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 101,94 triệu USD, đứng thứ 41/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam có 6 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand với tổng vốn đăng ký là 25,62 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; khách sạn và ăn uống; nông lâm nghiệp và thủy sản…

New Zealand cũng dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, từ 2,3 triệu USD năm tài chính 2003-2004 lên tới khoảng 7,4 triệu USD trong năm tài khóa 2012-2013; giai đoạn 2015-2018 khoảng 18,6 triệu USD qua các kênh song phương và đa phương. Vốn ODA của New Zealand tập trung vào các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững.

Về an ninh, quốc phòng, hai bên duy trì trao đổi đoàn, hợp tác chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác Quốc phòng (năm 2013), Thỏa thuận giữa Cảnh sát New Zealand và Bộ Công an về hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia (năm 2010) và tổ chức họp Nhóm Công tác hỗn hợp song phương 2 năm/lần nhằm đánh giá kết quả thực hiện.

New Zealand cũng hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn về chống khủng bố, kỹ thuật hình sự và điều tra, phòng chống tội phạm rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, y tế cứu thương chiến thuật. Hai bên hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Interpol cũng như Tuyên bố chung ASEAN - New Zealand năm 2005 về hợp tác chống khủng bố quốc tế.

Hai bên tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo, nhất là tiếng Anh chuyên ngành gìn giữ hòa bình, duy trì các chuyến thăm của tàu hải quân và cơ chế Đối thoại Quốc phòng song phương.

Trong những năm gần đây, Việt Nam và New Zealand đã hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hiệu quả. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hiện có khoảng hơn 3.000 lưu học sinh Việt Nam theo học tại New Zealand.

Chương trình Đào tạo tiếng Anh cho quan chức Chính phủ (ELTO) là một trong những ví dụ đậm nét về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo.

Về hợp tác lao động, hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình việc làm trong kỳ nghỉ (tháng 12/2011), chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2012, theo đó mỗi năm sẽ có tối đa 100 công dân Việt Nam sang New Zealand và 100 công dân New Zealand sang Việt Nam du lịch kết hợp tìm việc làm.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai nước ký Hiệp định Vận tải Hàng không song phương ngày 17/10/2003, có hiệu lực năm 2004, được sửa đổi vào tháng 3/2015. Du lịch cũng là một ngành có tiềm năng hợp tác trong thời gian tới của hai nước.

Đánh giá về lĩnh vực nông nghiệp, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Mathews cho rằng, đây là một dấu ấn trong quan hệ hai nước. Theo Đại sứ, hai nước đều có nền nông nghiệp phát triển và mang tính tương hỗ cao. Nếu như điểm mạnh của Việt Nam là các mặt hàng như gạo, cà phê và các loại quả nhiệt đới thì lợi thế của New Zealand là các sản phẩm từ sữa, thịt, táo, kiwi…

Đến nay, New Zealand đã cấp phép nhập khẩu cho 3 mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam là xoài, thanh long và chôm chôm. Việt Nam đang tiếp tục đề nghị New Zealand cấp phép nhập khẩu cho quả chanh ta và chanh leo. Ngược lại, Việt Nam cũng đã mở cửa cho doanh nghiệp New Zealand đưa vào thị trường khoai tây củ thương phẩm, thịt bò đông lạnh, quả kiwi, táo envy.

Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và New Zealand đều là thành viên của các tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế quan trọng: Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu và một số cơ chế hợp tác của ASEAN. Hai bên ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trong đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Năm 2020 là năm quan trọng đối với quan hệ hai nước Việt Nam và New Zealand, đây cũng là một năm vô cùng khó khăn với hai nước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Cả hai nước đều đã đạt được thành công vượt bậc trong việc ngăn chặn đại dịch được cả thế giới ghi nhận. Thời gian tới, hai nước phát huy những thành công đã đạt được, tiếp tục hợp tác vì lợi ích của hai dân tộc và vì hòa bình, ổn định trên thế giới.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam--new-zealand-huong-toi-doi-tac-chien-luoc-post87354.html