Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 23-11, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo thông báo các kết quả chính của Hội nghị lần thứ 22 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22), Hội nghị lần thứ 12 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto và Hội nghị lần thứ nhất các Bên tham gia Thỏa thuận Paris, cũng như tổ chức công bố Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam.

Nhiều khu vực của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thành công lớn nhất của Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị COP22, Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto và các bên tham gia Thỏa thuận Paris là tiếp tục cùng với các bên thảo luận những vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris, Công ước và Nghị định thư Kyoto; đồng thời cập nhật thông tin về nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Công ước, Nghị định thư Kyoto, đặc biệt là Thỏa thuận Paris, từ đó tăng cường hợp tác, đối tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, theo tinh thần của Thỏa thuận Paris.

Cho tới thời điểm kết thúc COP 22, Việt Nam là một trong số 111 nước đã phê chuẩn/phê duyệt Thỏa thuận. Với việc xây dựng và phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như là một trong những nước tiên phong.

Kế hoạch được xây dựng gồm 5 trụ cột chính, được chia thành 2 giai đoạn từ 2016 - 2020 và 2021 – 2030. Theo đó, đề ra 68 nhiệm vụ bắt buộc thực hiện theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris; ưu tiên tiếp tục thực hiện theo các chiến lược, chương trình, kế hoạch của Chính phủ; khuyến khích thực hiện để tận dụng cơ hội do Thỏa thuận Paris mang lại.

Việc triển khai thực hiện được những nhiệm vụ trong Kế hoạch sẽ góp phần vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, nhân Hội thảo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự, các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris, trong đó có những đóng góp do Việt Nam tự quyết định.

Bà Anna Shreyoegg, Cố vấn trưởng dự án NAMA, GIZ Việt Nam, đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris và thậm chí còn tiến xa thêm một bước trong ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận ngay trước thềm COP22. Những nỗ lực này chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia cũng như toàn cầu. Đức vui mừng thấy rằng Việt Nam đang nắm giữ vai trò tiên phong trong khu vực và có thiện chí chia sẻ các kinh nghiệm có được với các nước khác.

Bà Anna Shreyoegg khẳng định, Chính phủ Đức, thông qua GIZ, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam với những nỗ lực quan trọng thực hiện Thỏa thuận Paris. Cam kết này được thể hiện thông qua các dự án đang triển khai cũng như các dự án mới sẽ được cam kết trong năm nay với tổng vốn hỗ trợ lên đến 18 triệu euro (khoảng gần 434 tỷ đồng) thông qua nguồn Sáng kiến quốc tế về biến đổi khí hậu.

Chung sức bảo vệ môi trường

(HNM) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng biểu hiện rõ ràng và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống. Vì vậy, xác định những tác động và xây dựng biện pháp ứng phó, thích ứng với BĐKH là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, các ngành của Hà Nội, trong đó có Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/855899/viet-nam-la-quoc-gia-tien-phong-trong-khu-vuc-ve-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau