Việt Nam là đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, những biến đổi của thời cuộc, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ luôn không ngừng phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, trong đó Ấn Độ coi Việt Nam là một trụ cột trong chính sách 'Hành động hướng Đông' và là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ dựa trên sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau

Phát biểu trong Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước ta tổ chức tối 20-9 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô New Delhi, Quốc vụ khanh Rajkumar Ranjan Singh khẳng định, Việt Nam là một trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” và là một đối tác quan trọng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quốc vụ khanh Rajkumar Ranjan Singh nhấn mạnh, sự phát triển bền vững của quan hệ truyền thống Ấn Độ - Việt Nam dựa trên sự đoàn kết, tin cậy, sự hiểu biết sâu sắc lẫn nhau và sự tương đồng về lợi ích. Ông đánh giá cao, các thành tựu hai nước đã đạt được trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, từ tương tác chính trị đến hợp tác kinh tế - phát triển, quốc phòng - an ninh, hợp tác về năng lượng, khoa học công nghệ, văn hóa-giáo dục và giao lưu nhân dân.

Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, những bước phát triển vững chắc trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ thời gian qua với quan hệ chính trị, ngoại giao không ngừng được củng cố, hợp tác quốc phòng an ninh tiếp tục được tăng cường hiệu quả. Đại sứ đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai nước, khẳng định việc Ấn Độ là một trong số 5 nước Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước.

Có thể nói, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ có lịch sử phát triển lâu đời, bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và vun đắp. Hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và giành độc lập dân tộc. Hơn 50 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1972), dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp. Ấn Độ là một trong những đối tác tin cậy, thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với con đường phát triển và chính sách của Việt Nam trên nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế. Không chỉ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ còn đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và quốc phòng - an ninh.

Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ Hợp tác toàn diện vào năm 2003, nâng lên quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 và đặc biệt là nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Ấn Độ hiện là một trong 5 quốc gia mà Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam cùng với đẩy mạnh khi Chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nâng cấp “Chính sách hướng Đông” thành chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm thể hiện quyết tâm tăng cường các kết nối về kinh tế với thị trường Đông Nam Á cũng như nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách này như tuyên bố của Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng 9-2016 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc): “Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ” và “quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ những quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu”.

Hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả

Việc Ấn Độ đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng, là “trọng tâm”, “cầu nối” trong chính sách “Hành động hướng Đông” đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế nói riêng phát triển lên tầm cao mới. Trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, hợp tác quốc phòng và an ninh là lĩnh vực hợp tác mang tính trụ cột trong quan hệ hai nước. Hợp tác quốc phòng - an ninh song phương có phạm vi rộng, bao gồm các cuộc đối thoại quốc phòng - an ninh, thỏa thuận quốc phòng song phương, các gói tín dụng quốc phòng, huấn luyện và diễn tập quân sự, mua sắm quốc phòng, hợp tác hàng hải và hợp tác đa phương, kể cả thông qua khuông khổ ASEAN.

Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển những năm qua là một trụ cột, đồng thời góp phần thúc đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu, hiệu quả, và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Về trao đổi quan hệ thương mại, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng vọt hơn 60 lần, từ 200 triệu USD vào năm 2000 lên 12,3 tỷ USD năm 2019. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2021 vẫn đạt gần 11 tỷ USD và đạt 15 tỷ trong năm 2022. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lên cao hơn và bền vững hơn trong những năm tới.

Về đầu tư, Ấn Độ hiện có hơn 300 dự án đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hiện các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 60 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 459,67 triệu USD, chiếm 50,5% về vốn đầu tư. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn của cả hai nước hiện đang tìm hiểu những cơ hội đầu tư vào nhau. Một tín hiệu tích cực cho thấy sự phát triển của không chỉ kinh tế - thương mại mà còn giao lưu nhân dân, du lịch giữa Việt Nam và Ấn độ là kết nối hàng không hai nước đã phát triển vượt bậc, lên tới gần 60 chuyến bay trực tiếp một tuần hiện nay. Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng của khách du lịch, đám cưới, hội nghị và giải trí Ấn Độ với gần 250.000 lượt khách đến Việt Nam riêng trong 8 tháng đầu năm 2023.

Tại cuộc họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra tại New Delhi đầu tháng 8 vừa qua, hai bên đã trao đổi những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại, Hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, giao thương; tăng cường và mở rộng hợp tác thương mại trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm, hóa chất, phân bón, máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng.

Trong lĩnh vực đầu tư, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực cùng quan tâm như: công nghiệp nền tảng (ô tô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu, điện tử, hóa chất); phát triển hạ tầng (hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics); ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, Việt Nam và Ấn Độ nhất trí thúc đẩy các cơ quan liên quan của hai bên sớm hoàn tất quy trình đánh giá rủi ro tiến tới cấp phép mở cửa thị trường cho một số loại trái cây ưu tiên của nhau trong thời gian tới.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam và chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, cùng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, ý chí và nguyện vọng của người dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ chắc chắn sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp, sâu rộng, hiệu quả, thực chất, góp phần xây dựng, củng cố ổn định, hòa bình, phát triển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-la-doi-tac-quan-trong-o-an-do-duong-thai-binh-duong-post552535.antd