Việt Nam khẳng định tuân thủ luật pháp quốc tế là trách nhiệm của tất cả các quốc gia để xây dựng lòng tin, vì hòa bình và phát triển

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhận định, trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc thực hiện pháp quyền ở mọi cấp độ là rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế.

Ủy ban các vấn đề pháp lý quốc tế tổ chức phiên thảo luận toàn thể.

Ngày 17/10, Ủy ban các vấn đề pháp lý quốc tế (Ủy ban 6) Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 78 tổ chức phiên thảo luận toàn thể về chủ đề thúc đẩy pháp quyền ở các cấp độ quốc gia và quốc tế, với sự tham gia của các nước thành viên LHQ và quan sát viên.

Trong phát biểu, các quốc gia đều nhất trí rằng, pháp quyền và phát triển có mối liên hệ mật thiết, đóng vai trò thiết yếu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, đóng góp vào thực hiện Chương trình nghị sự chung, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của quốc gia.

Tranh thủ diễn đàn, nhiều nước bày tỏ lo ngại sâu sắc về diễn biến ngày càng leo thang tại Dải Gaza và tình hình nhân đạo tại khu vực này.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ nhận định, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp và thách thức mới như hiện nay, việc thực hiện pháp quyền ở mọi cấp độ là rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế.

Đây không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mà còn là phương thức để xây dựng lại lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương và ứng phó hiệu quả với những thách thức chung. Việc giải thích và thực thi luật pháp theo tiêu chuẩn kép hoặc có chọn lọc là điều không thể chấp nhận.

Liên quan đến các xung đột hiện nay tại nhiều khu vực trên thế giới, đại diện Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và luật nhân đạo, nhanh chóng chấm dứt bạo lực, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, cung cấp viện trợ nhân đạo.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp.

Chia sẻ các nỗ lực thúc đẩy pháp quyền tại khu vực, Đại sứ cho biết, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các diễn biến gần đây ở Biển Đông vẫn gây ra quan ngại, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Vì vậy, tất cả các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, cũng như các tiến trình ngoại giao, pháp lý.

Là một trong những thành viên sáng lập Nhóm bạn bè UNCLOS, Việt Nam cùng gần 120 thành viên đang tích cực thúc đẩy nâng cao hiểu biết và tuân thủ UNCLOS cũng như việc áp dụng UNCLOS trong lĩnh vực hàng hải.

Bên cạnh việc nêu bật Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), Đại sứ cũng khẳng định, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, củng cố hệ thống pháp luật nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với LHQ và các đối tác khác để thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ mạnh mẽ hơn nữa các nguyên tắc pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Ủy ban 6 là một trong sáu ủy ban chính của Đại hội đồng LHQ, gồm đại diện của tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ, có chức năng xem xét, thảo luận và góp phần thúc đẩy phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.

Ủy ban 6 dự kiến thảo luận 27 đề mục, trong đó có các chủ đề đáng chú ý như hoạt động của Ủy ban luật pháp quốc tế, các biện pháp loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, ngăn ngừa tội ác chống nhân loại…

Thúc đẩy pháp quyền ở các cấp độ quốc gia và quốc tế là một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu tại Ủy ban 6 hằng năm, là diễn đàn để các nước thành viên LHQ nêu nhiều vấn đề pháp lý quốc tế rộng rãi, mang tính thời sự cao.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-khang-dinh-tuan-thu-luat-phap-quoc-te-la-trach-nhiem-cua-tat-ca-cac-quoc-gia-de-xay-dung-long-tin-vi-hoa-binh-va-phat-trien-246535.html