Việt Nam đánh giá cao lựa chọn ''Phụ nữ và nền kinh tế'' là ưu tiên xuyên suốt của APEC

Việt Nam đánh giá cao lựa chọn ''Phụ nữ và nền kinh tế'' là một trong các ưu tiên xuyên suốt nhiều năm qua của APEC, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Ngày 20/5/2024, thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị chung lần thứ nhất giữa Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Phụ nữ APEC đã được diễn ra vào ngày 17/5/2024 dưới dự chủ trì của bà Angela Teresa Hernández - Bộ trưởng Phụ nữ và Nhóm dân số dễ bị tổn thương Peru và bà Elizabeth Galdo - Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Peru.

Hội nghị có sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Ban Thư ký APEC.

Tại Hội nghị chung lần thứ nhất giữa Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Phụ nữ APEC, các Bộ trưởng thảo luận về nội dung Trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tại Hội nghị chung lần thứ nhất giữa Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Phụ nữ APEC, các Bộ trưởng thảo luận về nội dung Trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng thảo luận về nội dung Trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua thương mại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào 2 nội dung là những trở ngại chính và cách các nền kinh tế thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong thương mại; và các sáng kiến trong APEC thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong hợp tác APEC, năm 2019, các Bộ trưởng đã thông qua Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng Bao trùm đến năm 2030, trong đó ưu tiên các lĩnh vực: Trao quyền cho phụ nữ thông qua tiếp cận vốn và thị trường; củng cố lực lượng lao động nữ; cải thiện khả năng tiếp cận của giới nữ với các vị trí lãnh đạo tại tất cả các cấp ra quyết định; hỗ trợ nữ giới nâng cao trình giáo dục, đào tạo và kỹ năng; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ qua phân tích và thu thập dữ liệu.

Vụ Chính sách thương mại đa biết cho biết, trong những năm gần đây, các thành viên APEC nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Trong đó, APEC đã hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển công nghệ mới, công nghệ cho tương lai; hỗ trợ cải cách chính sách để xóa bỏ khoảng cách số; tăng cường hợp tác công - tư để gỡ bỏ rào cản số với phụ nữ; tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị toàn cầu (cam kết trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua tiếp cận vốn và thị trường, hỗ trợ khả năng kinh doanh của phụ nữ...); thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng chia sẻ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, đồng thời chia sẻ các thông lệ tốt trong việc trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Đại diện cho Đoàn Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái đánh giá cao việc APEC đưa nội dung về “Phụ nữ và nền kinh tế” là một trong các ưu tiên xuyên suốt nhiều năm qua

Đại diện cho Đoàn Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái đánh giá cao việc APEC đưa nội dung về “Phụ nữ và nền kinh tế” là một trong các ưu tiên xuyên suốt nhiều năm qua

Phát biểu tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực chung của các nền kinh tế thành viên APEC trong việc đưa nội dung về “Phụ nữ và nền kinh tế” là một trong các ưu tiên xuyên suốt trong nhiều năm qua. Việt Nam đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, giáo dục, phát triển kinh tế..., góp phần vào xóa đói giảm nghèo, ổn định cho nền kinh tế.

"Chính phủ Việt Nam đã xây dựng các sáng kiến cụ thể như Kế hoạch hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, Kế hoạch hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ quản lý và tạo việc làm cho phụ nữ giai đoạn 2022 - 2030, cùng nhiều sáng kiến khác" - Đoàn Việt Nam thông tin.

Việt Nam hoan nghênh Peru tổ chức Hội nghị chung lần thứ nhất giữa Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Phụ nữ của 21 nền kinh tế APEC. Đồng thời nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong thúc đẩy và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, thể hiện quyết tâm cao của APEC trong việc hiện thực hóa nâng cao vai trò của phụ nữ và nền kinh tế. Việt Nam cam kết sẽ chung tay cùng các thành viên APEC nỗ lực thúc đẩy trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ vì sự phát triển bền vững và hội nhập của khu vực. Đoàn Việt Nam cho biết, Hội nghị đã kết thúc thành công vào trưa ngày 17/5/2024 với việc ra được Tuyên bố chung.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-danh-gia-cao-lua-chon-phu-nu-va-nen-kinh-te-la-uu-tien-xuyen-suot-cua-apec-321203.html