Việt Nam đang có 'mỏ vàng' mà cả thế giới cần, kỳ vọng đem về nhiều tỷ USD

Không phải dệt may, da giày, điện tử…, mà đất hiếm mới là ngành đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam tại thời điểm này. Các chuyên gia cho rằng, có thể không sai nếu khẳng định rằng đất hiếm là 'mỏ vàng' của Việt Nam, vấn đề còn lại là chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào.

Đất hiếm gồm 17 nhân tố, phần lớn trong đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, công nghệ hóa chất, bán dẫn, pin xe điện, tuabin điện gió, điện thoại, máy bay… Vì vậy, thông tin đáng chú ý về thu hút FDI trong những ngày gần đây được Reuters đưa ra là một số công ty nam châm đất hiếm lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc, bao gồm đơn vị cung ứng cho Apple đang chuyển hướng đến Việt Nam.

Hút ‘đại bàng’ đến Việt Nam

Hai cái tên được nhắc tới là Star Group Industrial (SGI - Hàn Quốc) và Baotou INST Magnetic (Trung Quốc). Cụ thể, SGI đang đầu tư 80 triệu USD vào một nhà máy mới tại Việt Nam. Công ty này cho biết họ lấy phần lớn đất hiếm từ Trung Quốc nhưng đang tìm kiếm nguồn thay thế ở Việt Nam và Australia, đồng thời có kế hoạch phát triển một cơ sở chế biến tại Việt Nam. Còn Baotou INST Magnetic dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng tới tại một nhà máy thuê ở phía Bắc Việt Nam.

Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn; chỉ sau Trung Quốc.

Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn; chỉ sau Trung Quốc.

Việt Nam được biết đến là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm, kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thực hiện từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái).

Đánh giá về tiềm năng to lớn này, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ với VnBusiness rằng, thế giới đua nhau làm chất bán dẫn, rất nhiều sản phẩm ô tô, máy bay, hàng điện tử cần đất hiếm. Cuộc chiến tranh về đất hiếm hiện nay trên thế giới, Trung Quốc nắm đằng chuôi vì có 44 triệu tấn đất hiếm - đứng đầu thế giới, cung cấp 220 nghìn tấn đất hiếm một năm.

Trong chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đất hiếm là nhân tố quan trọng nhất, vì ai nắm được đất hiếm thì nắm được lợi thế công nghệ tương lai như chất bán dẫn, pin, xe điện, máy bay, sản phẩm điện tử khác.

Vì vậy, việc Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm sẽ là lợi thế rất lớn trong việc phát triển, đón đầu công nghệ tương lai. Ông Mại tính toán, Việt Nam đã khai thác đất hiếm 10 năm nhưng quy mô nhỏ, mỗi năm chỉ xuất khẩu hơn 4.000 tấn đất hiếm, thu về 200 triệu USD.

Nếu Việt Nam sản xuất được một lượng đất hiếm hàng năm như Trung Quốc là 220 nghìn tấn, với thời gian một mỏ khai thác hàng trăm năm, thì số tiền thu được về Việt Nam có thể lên tới lên tới mười mấy tỷ USD mỗi năm.

“Có thể nói, chúng ta đang nắm bảo bối trở thành cường quốc về bán dẫn, pin, công nghệ tương lai”, ông Mại chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ công bố năm 2022, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn; chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn.

Sự hấp dẫn của ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam được phản ánh rõ qua những động thái từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới. GS. Nguyễn Mại cho biết, vừa qua, Nhật Bản, EU, Mỹ đều tuyên bố sẽ hợp tác với Việt Nam đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ đất hiếm và sau đất hiếm như bán dẫn, pin.

Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc với sự tháp tùng của khoảng 200 doanh nghiệp lớn sang Việt Nam đã có ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư về thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, trong đó Việt Nam – Hàn Quốc đã thống nhất thành lập một liên doanh đất hiếm.

Đặc biệt, các lãnh đạo cấp cao của Mỹ như Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính gần đây sang thăm Việt Nam kéo theo đoàn doanh nhân đông đảo. Nhiều thỏa thuận dù chưa công bố, nhưng khẳng định Mỹ xem Việt Nam là đối tác tin cậy phát triển công nghệ cao, gắn với đất hiếm.

Đừng nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ‘đào đất hiếm’ ở Việt Nam rồi bán

Trước băn khoăn, Việt Nam cũng đã đứng trước những cơ hội lớn về khoáng sản hay các ngành công nghiệp, nhưng nếu không tận dụng tốt, chúng ta sẽ rơi vào cảnh “đào đất” để bán lấy tiền, ít mang lại giá trị gia tăng, GS. Nguyễn Mại nhìn nhận sẽ không có chuyện đào đất hiếm để bán lấy tiền.

“Tôi tin rằng, các doanh nghiệp FDI không chỉ đến Việt Nam để đào đất hiếm mà họ muốn phát triển khai thác đất hiếm để thành ngành công nghiệp, kéo theo đó là công nghiệp bán dẫn, điện tử, ô tô…. “, GS. Nguyễn Mại nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, “rồi đây, chúng ta sẽ thấy các liên doanh giữa Việt Nam và các nước trong phát triển ngành công nghiệp đất hiếm để nắm công nghệ tương lai. Chúng ta hãy tin rằng, Việt Nam sẽ tìm cách hưởng lợi ích nhiều nhất khi cầm trong tay khai thác đất hiếm”, ông Mại cho biết.

Ông Mại cũng khuyến nghị, Việt Nam cần phải đẩy nhanh hành động để đón đầu cơ hội này.

Theo các chuyên gia, đất hiếm tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam, nhưng chúng ta cũng cần phát triển ngành công nghiệp, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Từ đó, giúp Việt Nam bước vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp công nghệ cao này.

Theo đó, Việt Nam phải tăng đầu tư vào mảng chế biến đất hiếm thành các nguyên liệu chiến lược để cung cấp cho các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước như điện tử, hóa dầu, bán dẫn. “Chúng ta đã trải qua giai đoạn xuất khẩu nguyên liệu thô quá lâu, nay cần phải đặt ra nhiệm vụ cho chế biến khoáng sản rõ ràng, nhất là đối với ngành công nghiệp đất hiếm”, một chuyên gia bình luận.

Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP đất hiếm Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đầu tư vào các dự án chế biến sâu, tạo ra chuỗi giá trị từ mỏ tới thành phẩm. Để làm được điều này cần lựa chọn nhà đầu tư không chỉ có công nghệ tiên tiến mà còn phải mạnh về thị trường.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, riêng mảng khoáng sản đất hiếm, quy hoạch đưa dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm khai nguyên mỗi năm. Đây được xem là động thái để phát triển ngành công nghiệp tương lai – "mỏ vàng" đất hiếm mà Việt Nam đang nắm giữ.

Mới đây, báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu dẫn tài liệu về tài nguyên khoáng sản tỉnh Lai Châu năm 2005 do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam bàn giao và các tài liệu thăm dò, đánh giá tiềm năng cho thấy, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm. Tổng diện tích mỏ là 2.779,4ha với tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn. Trong đó, khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao huyện Tam Đường (có tổng diện tích khoảng 1.373 ha); Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (Phong Thổ); Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe (Phong Thổ) và Mỏ đất hiếm Thèn Thầu (Phong Thổ).

Hiện tại, Lai Châu đã hoàn thành thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ; Cấp thăm dò mới trong giai đoạn 2021-2030 các mỏ: Nam Đông Pao, Khu 3 - Nam mỏ Đông Đông Pao và mỏ Thèn Sin đều thuộc huyện Tam Đường. Bên cạnh đó, địa phương ấp thăm dò trong giai đoạn 2031-2050 đối với mỏ Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Đồng thời, Lai Châu tiếp tục khai thác mỏ đã cấp gồm Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường). Tỉnh cũng đã quy hoạch chế biến 5 nhà máy chế biến đất hiếm (nhà máy thủy luyện Đông Pao, thủy luyện Nậm Xe, chiết tác ô xít Đông Pao, chiết tách ô xít Nậm Xe, luyện kim loại đất hiếm trên địa bàn tỉnh Lào Cai).

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-dang-co-mo-vang-ma-ca-the-gioi-can-ky-vong-dem-ve-nhieu-ty-usd-1094901.html