Việt Nam có thể quan sát trăng tuyết, nguyệt thực và sao chổi vào ngày 11/2

Khoảng 4h30 ngày 11/2 theo giờ Việt Nam, trên khắp thế giới và người dân Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát cùng lúc ba hiện tượng thiên văn gồm nguyệt thực, sao chổi và trăng tuyết.

Theo đó, các hiện tượng thiên văn trên sẽ diễn ra vào khoảng rạng sáng 11/2. Hiện tượng nguyệt thực sẽ xảy ra trước tiên vào đêm trăng tuyết. Trăng tuyết là tên gọi khác cả đêm trăng tròn tháng 2, thời điểm tuyết rơi nhiều nhất ở Mỹ.

Được biết, lần này là nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất, bóng tối bao trùm lên một phần của nó. Hiện tượng có thể kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ bắt đầu từ lúc 5h34 sáng ngày 11/2 và có thể quan sát được từ nhiều châu lục trên thế giới, gồm châu Âu, châu Á, châu Phi và phần lớn châu Mỹ.

Ảnh chụp nguyệt thực ở Munich, Đức, năm 2003

Tại châu Âu, châu Phi và Tây Á, sự kiện này có thể quan sát được vào buổi đêm khi Mặt Trăng ở phía nam bầu trời. Đối với những người ở châu Mỹ, các điểm quan sát tốt nhất là ở phía đông.

Tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát hiện tượng này từ 5h34 đến 6h26 ngày 11/2. Nguyệt thực đạt đỉnh điểm vào lúc 6h23 khi vùng nửa tối che phủ một nửa Mặt Trăng và kết thúc khi Mặt Trăng khuất dưới đường chân trời.

Sau đó vài tiếng, sao chổi 45P xuất hiện trên bầu trời phía Tây, gần chòm sao Hercules. Nó di chuyển khá nhanh với tốc độ 22,8km/giây.

Sao chổi 45P cũng sẽ có thể quan sát được bằng ống nhòm

Qua tìm hiểu, sao chổi 45P được nhìn thấy với phần ánh sáng màu xanh và đuôi như hình quạt. Theo các chuyên gia có thể quan sát sao chổi bằng mắt thường nhưng hơi khó và việc sử dụng kính thiên văn hoặc ống nhòm sẽ dễ dàng hơn. Nếu bỏ lỡ dịp quan sát sao chổi 45P lần này thì nó chỉ trở lại vào năm 2022.

Nguồn ảnh: Daily Mail

Kim Thanh (Tổng hợp từ Tiền phong/Zing.vn)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/viet-nam-co-the-quan-sat-trang-tuyet-nguyet-thuc-va-sao-choi-vao-ngay-11-2-d107467.html