Việt Nam có đủ không gian và cơ hội cho tất cả

QĐND - “15 năm tới, 50 năm tới hay 150 năm tới thì chúng tôi vẫn sẽ ở Việt Nam vì chúng tôi thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng”, ông Brét Crau-xơ (Brett Krause), Tổng giám đốc Ngân hàng Citibank tại Việt Nam khẳng định như vậy tại buổi khai trương dịch vụ bán lẻ của ngân hàng tại Hà Nội ngày 15-10. Trao đổi với báo chí, ông Crau-xơ và Tổng Giám đốc Citibank khu vực châu Á-Thái Bình Dương Si-rít Áp-tê (Shirish Apte) đều bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển của Citibank tại Việt Nam.

- Tại sao Citibank chọn Việt Nam để mở dịch vụ bán lẻ vào thời điểm này? - Ông Si-rít Áp-tê: Đơn giản chỉ vì chúng tôi thấy Việt Nam là một nơi phù hợp, một đất nước có dân số đông và GDP tăng trưởng tốt. Việc khai trương dịch vụ bán lẻ tại Hà Nội là sự tiếp nối thành công của cơ sở bán lẻ của Citibank mới mở năm ngoái tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam và quyết tâm tiếp tục đầu tư tại đây, chủ động tham gia vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn trong khu vực và chúng tôi cam kết sẽ tăng cường kinh doanh tại Việt Nam. - Ông Brét Crau-xơ: Lễ khai trương hôm nay chỉ là điểm khởi đầu của kế hoạch mở rộng kinh doanh của Citibank tại Việt Nam. Trong mấy tháng tới, Citibank sẽ liên tục mở thêm các dịch vụ và sản phẩm cao cấp nhất, tăng các điểm giao dịch với khách hàng. - Vậy các khách hàng của Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích gì với dịch vụ mới này của Citibank? - Ông Si-rít Áp-tê: Cơ sở bán lẻ mới tại Hà Nội này nằm trong một số ít các chi nhánh “Ngân hàng thông minh” thế hệ mới đầu tiên tại châu Á của Citibank. Chúng tôi sử dụng những thiết bị điện tử, màn hình cảm ứng lớn để khách hàng tìm hiểu thông tin những dịch vụ và sản phẩm của Citibank. Tới cơ sở, khách hàng có thể tự truy cập tài khoản và tự thực hiện các giao dịch bằng chính hệ thống máy tính của ngân hàng. Chủ yếu chúng tôi nhắm tới những khách hàng trẻ tuổi - những người thích Iphone, Facebook, thích công nghệ cao. Với dịch vụ ngân hàng thông minh này, khách hàng cũng có thể thực hiện giao dịch ngay tại nhà mình giống như tại chi nhánh. Đặc biệt, tại cơ sở bán lẻ mới, Citibank cũng bắt đầu cung cấp dòng dịch vụ quản lý tài sản cá nhân cao cấp mang tên Citigold, nhắm vào đối tượng khách hàng cao cấp. - Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam? Citibank đến sau các ngân hàng quốc tế trong lĩnh vực này liệu có phải hơi muộn? - Ông Si-rít Áp-tê: Việt Nam là một thị trường bán lẻ mới nổi vì vậy có rất nhiều cơ hội cho cả “người mới” lẫn “người cũ”. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều cơ hội để Citibank tham gia mạnh hơn vào thị trường này của Việt Nam. Chúng tôi nghĩ, tại Việt Nam có đủ không gian cho chúng tôi và tin rằng mình sẽ thành công. - Ông Brét Crau-xơ: Số người dân Việt Nam sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn thấp. Chỉ khoảng 20% dân số Việt Nam tích cực sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Vì vậy vẫn còn có rất nhiều cơ hội cho chúng tôi. Chúng tôi rất ấn tượng với những bước tiến của thị trường ngân hàng Việt Nam, nhất là từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thị trường ngân hàng của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và lớn mạnh. Môi trường hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam có nhiều thuận lợi, được sự khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để tạo môi trường cạnh tranh cho các ngân hàng. - Những tranh cãi trên thế giới hiện nay liên quan tới việc định giá trị đồng tiền có tác động gì tới Việt Nam hay không? - Ông Si-rít Áp-tê: Trong bối cảnh tranh cãi ấy, theo tôi những gì mà Chính phủ Việt Nam đang làm là rất đúng đắn. Chính phủ Việt Nam đã đúng hướng khi tập trung vào tăng trưởng GDP, thu nhập trên đầu người, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ngày càng cải thiện môi trường đầu tư. Bài và ảnh: Mỹ Hạnh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/32/32/126879/Default.aspx