Việt Nam có chuột túi trong tự nhiên?

Theo các chuyên gia, chuột túi wallaby, hay còn gọi kangaroo mini có thể là sinh vật ngoại lai, nếu thả ra môi trường tự nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ sinh thái bản địa.

Chuột túi có phải là sinh vật ngoại lai ở Việt Nam?

Sáng 8/11, người dân phát hiện con chuột túi đầu tiên tại đèo Bắc Quảng (xã Đức Long, huyện Thạch An, Cao Bằng) sau đó trình báo cơ quan chức năng. Đến 20h30 cùng ngày, người dân cùng lực lượng kiểm lâm, biên phòng dùng lưới quây bắt đưa con chuột túi về nơi an toàn. Đến sáng 9/11, hai con chuột túi khác tiếp tục được phát hiện ở vệ đường liên xã, gần thảm cây bụi.

Ngày 11/11, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, phát hiện thêm một con chuột túi ở ngoài tự nhiên, nâng tổng số lên 4. Tất cả bị nhóm buôn lậu vứt lại trên đường vận chuyển trái phép qua biên giới. Mỗi con chuột túi nặng khoảng 12-13kg và đều khỏe mạnh.

Kiểm lâm Cao Bằng chưa biết xử lý thế nào với 4 con chuột túi vì loài này chưa được phép nhập khẩu, thông tin về loài cũng hạn chế. Tạm thời chúng được nuôi nhốt tại Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An, sau đó sẽ bàn giao về Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Lào Cai) để chăm sóc trong khi chờ cơ quan chức năng xác định nguồn gốc và giống loài.

Cá thể chuột túi được phát hiện ở Cao Bằng.

GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết loài bắt được ở Cao Bằng là chuột túi wallaby, hay còn gọi kangaroo mini, có nguồn gốc từ Australia. Con trưởng thành nặng khoảng 30 kg, chiều dài thân tính cả đuôi 1,8 m. Đây không phải là loài động vật sinh sống trong tự nhiên ở Cao Bằng.

Wallaby là loài động vật ăn tạp, chủ yếu ăn thực vật như cỏ, lá và quả mọng. Chúng cũng có thể ăn côn trùng hoặc các loài động vật nhỏ. Wallaby đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, giúp kiểm soát số lượng thực vật và động vật nhỏ. Wallaby là loài động vật bản địa của Úc và New Guinea, nhưng thường được nhiều người mua về để làm thú cảnh.

Theo Luật Đa dạng sinh học (2008), loài ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng. Loài ngoại lai xâm hại là loài lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

Các loài sinh vật ngoại lai xâm hại sinh sản rất nhanh, thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường, chúng có thể gây hại đến các loài bản địa như: cạnh tranh nguồn thức ăn, môi trường sống, làm suy giảm nguồn gen, phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống; truyền bệnh và ký sinh trùng,... gây tổn thất về các giá trị đa dạng sinh học, làm tổn thất không nhỏ về kinh tế, sức khỏe và làm giảm năng suất nông nghiệp.

Khó khăn trong biện pháp xử lý 4 cá thể chuột túi

Theo tìm hiểu, hiện nay các Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc không có đủ điều kiện chăm sóc chuột túi và đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng không có cơ sở cứu hộ động vật, không có cơ sở nuôi nhốt có đủ điều kiện để thực hiện chăm sóc các cá thể động vật đang tạm giữ.

Căn cứ theo thông tư 29-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nnông thôn, Hạt kiểm lâm huyện Thạch An được phép chuyển giao ba cá thể động vật (giống loài chuột túi) đang bị tạm giữ cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, trực thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai để chăm sóc trong thời gian chờ quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, nơi dự kiến sẽ là điểm đến mới của 3 con chuột túi là đơn vị trực thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, có chức năng cứu hộ, bảo tồn và phát triển động thực vật trong phạm vi Vườn Quốc gia Hoàng Liên và miền Bắc Việt Nam. Hàng năm, Trung tâm này tiếp nhận và chăm sóc nhiều loài thú hoang dã quý hiếm, tạo một môi trường sống thứ hai cho hệ sinh thái động thực vật...

Ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (trực thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị phương tiện và cơ sở vật chất để tiếp nhận 4 con chuột túi đang được tạm giữ tại Hạt kiểm lâm huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Tuần này, đơn vị sẽ sang trực tiếp Hạt kiểm lâm huyện Thạch An để đón 4 con chuột túi. Đây là lần đầu tiên Vườn Quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận cá thể chuột túi ngoại lai. Trước mắt, trung tâm sẽ chăm sóc dựa trên cơ sở các tài liệu công bố. Về lâu dài, trung tâm sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu, bảo tồn.

Theo Điều 10 Thông tư số 29/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng, động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp nhà nước, có 5 hình thức xử lý gồm: Thả lại về môi trường tự nhiên; cứu hộ; chuyển giao cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành; bán và cuối cùng tiêu hủy.

Tuy nhiên, 4 con chuột túi không phải loài bản địa nên không được phép thả về môi trường tự nhiên. Chúng đang khỏe mạnh, chưa có biểu hiện dịch bệnh nên không thuộc diện cứu hộ hay tiêu hủy. Một chuyên gia cứu hộ động vật cho biết chuột túi wallaby là dòng ngoại lai nên không thuộc loại được ưu tiên cứu hộ. Nếu chuyển chúng về Trung tâm cứu hộ ở Lào Cai phải rất thận trọng trong việc cách ly và kiểm tra dịch bệnh, tránh lây nhiễm chéo sang các động vật khác.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-co-chuot-tui-trong-tu-nhien-169231113113045491.htm