Việt Nam chế tạo thành công phức hệ Nano FGC điều trị ung thư; Trung Quốc tạo ra loại tơ siêu bền dẫn được cả điện

Việt Nam chế tạo thành công phức hệ Nano FGC điều trị ung thư; Phát hiện một loài ếch mới ở Việt Nam; Trung Quốc tạo ra loại tơ siêu bền dẫn được điện; 40 xác tàu đắm nguyên vẹn dưới đáy Hắc Hải;... là những thông tin KH&CN nổi bật chiều 11/10.

Việt Nam chế tạo thành công phức hệ Nano FGC điều trị ung thư

Tại hội thảo,“Công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC trong dự phòng và điều trị ung thư” diễn ra sáng 11/10 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã công bố, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC ưu việt với nhiều ưu thế vượt trội so với những hệ dẫn truyền thống. Điểm đột phá của Phức hệ Nano FGC nói trên là việc sử dụng toàn bộ nguyên liệu là hợp chất từ thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam.

Tiến sỹ Hà Phương Thư - Trưởng phòng Nano Y Sinh - Viện Khoa học Vật Liệu, cho biết: Lâu nay việc dùng trực tiếp củ nghệ và tam thất thường không mang lại hiệu quả vì Curcumin khó tan, hấp thu kém và hàm lượng Notoginseng trong tam thất thấp. Do đó, bà cùng cộng sự đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano nhằm đưa Curcumin từ đặc điểm khó tan thành những chất tan tốt trong nước bằng Phức hệ nano FGC để chế tạo thành sản phẩm CumarGold Kare dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. ( XEM THÊM )

Hình ảnh tại buổi lễ công bố nghiên cứu.

40 xác tàu đắm nguyên vẹn dưới đáy Hắc Hải

Một đoàn thám hiểm quốc tế tìm thấy dấu tích của những con tàu cổ đại dưới đáy biển Hắc Hải, một số chưa từng xuất hiện trong các ghi chép trước đây. Nhóm nghiên cứu trong Dự án Khảo cổ biển Hắc Hải sử dụng một số công nghệ tiên tiến nhất thế giới để thám hiểm dưới nước. Họ khảo sát vùng đáy biển bằng hai phương tiện điều khiển từ xa (ROV) có thể lặn sâu 1.800 m và duy trì vận tốc trên 11 km/h. Họ dự định nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ thời gian tàu đắm và niên đại của tàu. ( XEM THÊM )

Một số công nghệ tiên tiến nhất thế giới được dùng để thám hiểm dưới nước.

Phát hiện một loài ếch mới ở Việt Nam

Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật vừa công bố một loài ếch cây mới được phát hiện tại tỉnh Hòa Bình. Đây là loài ếch kích cỡ nhỏ, chiều dài đầu và thân khoảng 27-33 mm, mặt trên lưng màu xanh xám có vân sẫm màu trong khi họng và bụng màu nâu với các đốm trắng. ( XEM THÊM )

Loài ếch mới được phát hiện ở tỉnh Hòa Bình.

Du hành đến Sao Hỏa có thể gây mất trí nhớ

Các nhà du hành đi đến sao Hỏa đối mặt với nguy cơ bị tổn thương dài hạn ở não bộ và thậm chí mất trí nhớ do tiếp xúc với tia vũ trụ thiên hà. Theo một nghiên cứu mới công bố, các nhà nghiên cứu từ Đại học California đã làm thí nghiệm cho động vật gặm nhấm tiếp xúc với các hạt tích điện năng lượng cao - các hạt oxy và titan ion hóa hoàn toàn. Những hạt này tương tự như các hạt tìm thấy trong các tia vũ trụ thiên hà sẽ "tấn công" các phi hành gia trong các chuyến du hành không gian. 6 tháng sau khi tiếp xúc, các nhà nghiên cứu vẫn phát hiện thấy tình trạng viêm não và tổn thương tế bào thần kinh mức độ nặng ở các động vật thí nghiệm. ( XEM THÊM )

Môi trường không gian đặt ra mối nguy hiểm đối với các nhà du hành.

Trung Quốc tạo ra loại tơ siêu bền dẫn được điện

Các nhà hóa học Trung Quốc đã tạo ra được một loại tơ có sợi dẻo dai hơn, cứng cáp hơn bởi một loài nhộng có “chế độ ăn” rất đặc biệt: là ống nano carbon và graphen. Những nhà nghiên cứu tiến hành phun lên lá dâu một loại dung dịch chứa ống nano carbon và graphen. Tằm ăn loại lá cây ấy và tơ của chúng nhả ra có được tính chất của một loại tơ siêu bền, cứng cáp hơn tơ thường khoảng 50%, thậm chí chúng còn có khả năng dẫn điện. ( XEM THÊM )

Chỉ đơn giản là phun hợp chất ấy lên lá dâu cho tằm ăn.

Phát hiện một om chôn cất tại khu vực thăm dò tìm mộ vua Quang Trung

Các chuyên gia khảo cổ tìm mộ Quang Trung phát hiện một nền móng có diện tích trên 1m2 được sắp xếp bằng những viên đá lớn. Còn tại một hố thám sát khác trong chùa Thuyền Lâm cũng phát hiện một om chôn cất, nghi táng thi hài nằm sâu khoảng 1m so với mặt đất. Phía nửa trên chiếc om này đã vỡ vụn, còn phía dưới hầu như còn nguyên vẹn; đất ở trong om có màu đen, khác so với màu đất phía ngoài. Cạnh chiếc om này cũng xuất hiện nhiều viên gạch thẻ. ( XEM THÊM )

Vị trí hố thám sát phát hiện chiếc om nghi táng thi thể

NASA lên kế hoạch trồng rau trên sao Hỏa

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng "vườn sao Hỏa" mô phỏng để tìm ra loại rau có thể trồng trên hành tinh đỏ. Vườn lấy đất từ Hawaii và được mô phỏng phù hợp với các thông số của đất trên hành tinh đỏ. Trong nghiên cứu thí điểm, các cây rau diếp được trồng trong ba điều kiện khác nhau, một cây trồng trong đất mô phỏng, một cây trồng trong đất mô phỏng có thêm chất dinh dưỡng, cây còn lại trồng trong đất chậu.cằn cỗi, không thuận lợi cho việc trồng rau.Sau 5 tuần nghiên cứu, kết quả cho thấy cả ba loại rau diếp có mùi vị như nhau. Điểm khác biệt duy nhất đó là rau diếp trồng trên loại đất giống sao Hỏa có rễ yếu hơn và tốc độ nảy mầm chậm hơn. ( XEM THÊM )

NASA đang nghiên cứu để tìm ra loại cây có thể trồng trên sao Hỏa

Phát triển hệ thống IoT dự báo lũ

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ công nghiệp Nhật Bản đang xây dựng một hệ thống giá rẻ để dự báo lũ lụt cho những nước đang phát triển. Hệ thống sử dụng công nghệ Internet of Things (IoT) để thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ các cảm biến đặt tại các dòng sông. Hệ thống dựa trên thiết bị theo dõi tích hợp cảm biến siêu thanh đo lường mực nước, khí cụ đo nhiệt độ, độ ẩm và camera cùng máy tính để xử lý dữ liệu. Một lượng lớn thiết bị sẽ được đặt tại những vị trí chiến lược dọc theo sông và dữ liệu được gửi đến hệ thống nền tảng đám mây.Tính năng quan trọng khác của hệ thống là tích lũy dữ liệu và quản lý trong cơ sở dữ liệu, có tác dùng dự báo khi nào lũ có thể xảy ra nếu mực nước dâng đến mức nhất định. (XEM THÊM )

Lũ có thể được cảnh báo nhờ hệ thốngIoT

Kiều Anh (Tổng hợp)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/thoi-su-trong-nuoc/viet-nam-che-tao-thanh-cong-phuc-he-nano-fgc-dieu-tri-ung-thu-trung-quoc-tao-ra-loai-to-sieu-ben-dan-duoc-ca-dien/20161011024144288p882c918.htm