Việt cộng đến Paris (Tiếp theo và hết)

Mùa xuân đến, chúng tôi bồi hồi nhớ về những ngày 'Việt cộng đến Paris'.

Tôi nhớ một lần vào năm 1970, Câu lạc bộ báo chí Paris và kênh truyền hình QRTS tổ chức cuộc gặp gỡ giữa 20 nhà báo kỳ cựu của Mỹ và Pháp với chị Nguyễn Thị Bình. Đó là một trận đấu trí đầy ấn tượng. Chị Bình đã công khai cảm ơn để chị có dịp nói chuyện với các độc giả về Việt Nam. Một số nhà báo Mỹ đã hỏi những câu hỏi rất “xỏ lá” để bảo vệ sự xâm lược của Mỹ.

Chị Bình rất thẳng thừng khẳng định đó là luận điệu vu khống. Tôi nhớ họ hỏi sao ta không chấp nhận rút quân miền Bắc ra khỏi miền Nam? Vì sao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không đàm phán với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu? Họ cho rằng “miền Bắc xâm lược miền Nam”...

Bằng thái độ thân thiện, hòa nhã, tự tin, chị Bình vững vàng đáp trả: “Chúng tôi không đàm phán với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vì đó không phải là chính quyền của nhân dân mà là do Mỹ dựng lên làm tay sai cho Mỹ”.

Bà Nguyễn Thị Bình trong lần gặp lại các thành viên đoàn đàm phán. Ảnh do tác giả cung cấp

Chị khẳng định: “Không có luật pháp nào cho phép nước này đem bom ném nước kia và cũng không có luật pháp nào ngăn cản nhân dân nước tôi chống quân xâm lược”; “chính sách của Mỹ là xâm lược, mở rộng chiến tranh và áp đặt sự thống trị với dân tộc chúng tôi và nhân dân Đông Dương”. Và chị đề nghị mọi việc phải xem xét từ gốc. Một nhà báo Mỹ cho rằng, cái gốc là hai bên cùng rút quân.

Chị thẳng thừng đáp trả: “Ông đã bóp méo nguồn gốc của vấn đề, đã đánh đồng sự xâm lược với việc chống xâm lược. Chúng ta cần nhìn thấy cái gốc của vấn đề là người Mỹ với nửa triệu quân đang xâm lược đất nước tôi. Chúng tôi, cả miền Bắc và miền Nam, đều là người Việt Nam. Trong số những người từ miền Bắc trở về, trước nhất là người quê ở miền Nam tập kết ra Bắc nay trở về chiến đấu. Chúng tôi không có quyền tự vệ chống xâm lược sao?”.

Các nhà báo Pháp ủng hộ quan điểm của chị Bình. Qua sóng truyền hình, trận đấu trí đó nhanh chóng thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Chúng ta tranh thủ giành diễn đàn, thông qua báo chí để lan tỏa, biểu thị thái độ, xác định lập trường... Chị Nguyễn Thị Bình với ưu thế ngoại ngữ tốt và sự thông minh, nhạy bén, sắc sảo vốn có cùng với sự mềm mỏng, thân thiện của người phụ nữ Việt Nam, nhất là trong tà áo dài truyền thống đã thống lĩnh và thuyết phục được các nhà báo, kể cả những nhà báo khó tính.

Một lần, chúng tôi ăn tối cùng một số nhà báo Pháp ở nhà hàng L’Etoile Venitienne trên đại lộ Kléber đối diện Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber-nơi diễn ra hội nghị 4 bên. Lúc đó, có một nhà báo đã “hỏi móc” chị Bình: “Bà nói vùng giải phóng của Việt cộng chiếm phần lớn ở miền Nam.

Vậy đâu là ranh giới của vùng giải phóng của quý bà?”. Chị Bình cười đáp nhẹ nhàng: “Nơi nào quân Mỹ ném bom thì đó là đất của vùng giải phóng chúng tôi”. Mấy nhà báo nhìn nhau, vẻ phân vân. Tôi hỏi anh bạn nhà báo Pháp: “Anh không thấy đúng sao? Có ai đem bom ném vào đất của mình quản lý đâu? Bởi vậy, Mỹ đem bom ném ở đâu thì đó là đất Việt cộng, đúng không?”.

Chị Madeleine Riffaud là nhà báo của Đảng Cộng sản Pháp, từng đến chiến trường miền Nam, mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, ăn cơm nắm, ở hầm cùng các chiến sĩ giải phóng. Chị tiếp lời: Ở miền Nam, 3/4 đất đai hứng chịu bom Mỹ.

Cách dinh tổng thống Sài Gòn khoảng 30km có một vùng đất gọi là Củ Chi, đó là đất Việt cộng... và Việt cộng đã đào hàng chục ki-lô-mét địa đạo dưới lòng đất. Hàng vạn tấn bom Mỹ giội xuống đây nhưng không thể làm gì được. Các nhà báo rót đầy cốc rượu vang đỏ để nâng cốc vì lời giải thích tuyệt vời của Madame Bình cho câu hỏi “ranh giới nào là đất của Việt cộng”.

* *

*

Ngày 27-1-1973, Trung tâm hội nghị quốc tế rực rỡ cờ hoa, bên trong hàng rào là những hàng tiêu binh, cảnh sát, an ninh bảo vệ uy nghiêm và lớp lớp nhà báo xông xáo ngang dọc. Bên ngoài hàng rào là cả rừng người Pháp, Việt kiều tay cầm hoa, cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với nét mặt hân hoan rạng rỡ.

Dòng người từ Khải Hoàn Môn đến ngã ba phố Kléber và Portugais, kéo dài qua khỏi Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber. Khi đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu tiến vào thì cả rừng người hoan hô dậy sóng. Đặc biệt, khi đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến thì điệp khúc: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh”, “Việt cộng”, “Viva Việt cộng” lại vang lên, họ hô vang như giữa một festival quốc tế.

Hôm đó, hội trường Kléber sáng rực rỡ. Chị Nguyễn Thị Bình ký 32 văn bản, mỗi văn bản bằng một cây bút. Sau này, chị đã tặng cho các bạn thân là bộ trưởng ngoại giao các nước, là các đồng chí cộng sản Pháp có tên tuổi đã gần 5 năm tận tình giúp đỡ Việt Nam mỗi người một cây bút lịch sử này. Hãng thông tấn UPI của Mỹ viết: “Buổi lễ ký kết hiệp định hòa bình ở Việt Nam diễn ra trong khung cảnh huy hoàng, tráng lệ vào bậc nhất của thế kỷ 20 mà con người đã tạo ra”.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris (năm 2013), chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Bình trở lại Paris thăm các bạn Pháp đã ủng hộ chúng ta trong những năm đàm phán. Tôi và Đại sứ Trịnh Ngọc Thái (nguyên trợ lý của Bộ trưởng Xuân Thủy) thăm lại thành phố Choisy-le-Roi, một thành phố vệ tinh nhỏ nằm trên hai bờ sông Seine, cách thủ đô Paris 15 cây số về phía Tây Nam. Ở đây có trường chính trị của Đảng Cộng sản Pháp mang tên Tổng Bí thư Maurice Thorez.

Đây chính là trụ sở của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam trong gần 5 năm đàm phán. Những ngày đầu tiên khi đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến Paris, trường đang nghỉ hè nên Đảng Cộng sản Pháp cho đoàn Việt Nam mượn làm trụ sở. Hết kỳ nghỉ hè, đàm phán chưa đi đến đâu, nếu đoàn ta thuê khách sạn thì rất tốn kém.

Đại sứ Trịnh Ngọc Thái nhớ lại: “Khi đó, nghe qua khái toán số tiền thuê khách sạn hằng tháng, mọi người đã muốn xỉu rồi. Hiểu khó khăn trên, Đảng Cộng sản Pháp đã dời trường chính trị đi nơi khác, giao trụ sở cho đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa dùng suốt gần 5 năm”. Đồng chí Xuân Thủy, đồng chí Lê Đức Thọ đã ở đây và gần đó, nhà số 11 phố Darthé chính là nơi họp kín giữa hai cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger.

Ngày nay, thành phố Choisy-le-Roi kết nghĩa với quận Đống Đa của Hà Nội. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thành phố đã đặt tên một quảng trường bên bờ sông Seine là quảng trường Hiệp định Paris về Việt Nam. Thành phố Hà Nội đã tặng thành phố Choisy-le-Roi bức tranh gốm sứ do nhóm nghệ sĩ Việt Nam thực hiện cùng chủ đề kỷ niệm Hội nghị Paris.

Trong buổi gặp gỡ thân mật nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris, chúng tôi gặp lại Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt, bà Hélène Luc, nguyên Thượng nghị sĩ Pháp. Trong lời phát biểu, bà Hélène Luc kể lại: “Lúc đó, tôi là Bí thư Thị ủy Choisy-le-Roi của Đảng Cộng sản Pháp cùng các đồng chí Fernand Dupuy, Thị trưởng thành phố; Georges Marchais, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp và tất cả các nhà hoạt động đã nỗ lực hết mình để đoàn Việt Nam không những có được điều kiện làm việc tốt nhất mà còn cảm thấy được động viên, chia sẻ”.

Gặp lại chị Nguyễn Thị Bình và chúng tôi, bà Hélène Luc rất vui. Bà ôm hôn người này, hỏi thăm người kia và kể lại chuyện xưa rất thân thiện. Chúng tôi vui vì nhờ bà, nhờ Hội Hữu nghị Pháp-Việt mà chị Nguyễn Thị Bình gặp lại được những người từng ủng hộ Việt Nam, ủng hộ Việt cộng.

Đặc biệt, trong lần trở lại Paris này, tôi được gặp lại một người mà tôi rất mong đợi. Đó là ông Raymond Aubrac. Lúc Hội nghị Paris diễn ra, tôi dưới vai một nhà báo có đôi lần gặp ông. Gặp rất ngắn nhưng ông đã để lại trong tôi nhiều cảm tình đặc biệt. Bởi lẽ, ông là người lãnh đạo nhân dân miền Nam nước Pháp chống kẻ thù xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi Bác Hồ sang thăm Pháp năm 1946, Người đã chọn nhà ông Aubrac làm nơi ở trong 3 tháng. Giờ đây, nhà ông trở thành di tích Bác Hồ ở Pháp. Ông cũng là người đã trao đổi thông điệp giữa Việt Nam và Mỹ để yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom xuống miền Bắc Việt Nam năm 1967, kêu gọi Mỹ không ném bom phá đê sông Hồng năm 1972. Ông đã nhiều lần sang Mỹ gặp Kissinger và Tổng thư ký Liên hợp quốc, gặp Giáo hoàng Paul VI để góp phần tìm giải pháp hòa bình cho Việt Nam.

Với nhiều công lao lớn với Việt Nam, ông là người nước ngoài đầu tiên được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Có thể nói, ông Aubrac có công rất lớn với Hội nghị Paris, đặc biệt với “đoàn Việt cộng” như ông vẫn thường nói. Năm kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris được ký kết, ông đã già yếu, còn một năm nữa ông tròn 100 tuổi, nhưng ông vẫn mặc complet, chống gậy cùng người cháu đến gặp gỡ bạn bè và giao lưu với chúng tôi. Chị Nguyễn Thị Bình đón ông trong tình cảm trân quý. Ông nói: “Gặp lại các bạn, tôi thấy vô cùng hạnh phúc”.

* *

*

Mùa xuân đến, chúng tôi bồi hồi nhớ về những ngày “Việt cộng đến Paris”. Cảm ơn Paris, cảm ơn nước Pháp đã góp phần tạo nên chiến thắng ở Hội nghị Paris năm 1973 để Việt Nam thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

TP Hồ Chí Minh, tháng 1-2023

Ký của TRÌNH QUANG PHÚ, Nguyên chuyên viên của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/viet-cong-den-paris-tiep-theo-va-het-716513