Viết bao nhiêu vẫn chưa đủ và chưa hết…

(GD&TĐ) - Cuộc thi Viết về cô giáo của tôi không chỉ là món quà với cô giáo mà còn là một dịp chúng ta được trở về với trường xưa, lớp cũ, tình bạn, nghĩa cô với bao nhiêu kỷ niệm đằm thắm yêu thương…Và viết đâu chỉ để tranh giải mà để tin tưởng và hy vọng với những điều tốt đẹp còn hiện hữu khắp nơi trong đời sống…

Hình ảnh nhiều cô giáo từ cô giáo dạy tôi hồi vỡ lòng đến cấp 1, cấp 2… hiện về. Nhiều ký ức lâu nay ngủ quên bỗng thức dậy.

Nhưng cuối cùng tôi lựa chọn viết về cô giáo Dung dạy tôi hồi lớp 5. Bạn hỏi tôi Vì sao lại chọn “Cái thước” để kể về cô chứ không phải là cái bút hay viên phấn ư?

Bởi vì, với tôi cái thước của cô giáo Dung trở thành một ám ảnh. Dầu đã xa cô mấy chục năm, mặc dầu cô không còn trên cõi đời, nhưng mỗi lần nhớ về cô là nhớ về cái thước. Cái thước của cô là cái thước bình thường bằng gỗ xoan, nhưng điều khác lạ là từ cái thước của cô đã nẩy sinh ra bao nhiêu điều kỳ diệu về nghiêm khắc, về tình kỷ luật, về lòng yêu thương, về văn hóa ứng xử, về lương tri, trách nhiệm, tài năng sư phạm với tâm hồn thánh thiện yêu thương. Cái thước trong tay cô như gậy của đạo sỹ “dắt chúng em đi sông núi tuyệt vời”.

Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua câu chuyện là Nghề nhà giáo đòi hỏi mô phạm, chuẩn mực trong tất cả mọi hành vi và hoạt động. Mọi chi tiết liên quan đến câu chuyện về cô giáo rất đỗi bình thường, giản dị đều xoay quanh trục chuẩn mực này. Nhờ chuẩn mực này mà cô đã vượt qua được những tao đoạn thử thách, đương đầu với khó khăn của đời sống vật chất, với thương trường, với nhiều cám dỗ khác đến từ phía phụ huynh và học sinh.

Khi nhà giáo không giữ được chuẩn mực (trong sinh hoạt, trong tác phong, trong đạo đức, trong tri thức, trong mọi không gian: trên lớp, ở nhà, trong mọi thời gian, trong dạy học, rèn luyện, kiểm tra, đánh giá học sinh) thì hiệu quả giáo dục sẽ rất thấp nếu không muốn nói là phản tác dụng.

Vì vậy, lựa chọn câu chuyện về “ Cái thước”, tôi không chỉ hồi ức về cô giáo của mình mà hướng đến những vấn đề đang xẩy ra hiện tại của giáo dục. Vấn đề cái thước xem ra vẫn nóng bỏng, rất thời sự (Trường chuẩn, lớp chuẩn, xây dựng chuẩn GV, chuẩn Hiệu trưởng, tri thức chuẩn, chuẩn đánh giá nhà trường, GV, học sinh, kiểm tra, thi cử….). Hiện nay thời đại của kỹ thuật số, GV lên lớp có máy móc hỗ trợ nhưng không thể thiếu cái thước chuẩn mực được.

Viết xong tôi gửi dự thi. “Cái thước” của tôi được giới thiệu trên Báo vào ngày 13, năm 2013 .Và 2013 cũng là con số tác phẩm dự thi tính đến thời điểm đó.

Tôi không nghĩ đến gửi tác phẩm để tranh giải mà vấn đề là tác phẩm của tôi đã được giởi thiệu có điều kiện đến với độc giả. Sẽ có những người bạn, những thầy cô giáo, những SV sư phạm đọc tác phẩm của tôi. Cũng như tôi và bạn bè đồng nghiệp đã đọc hàng trăm tác phẩm dự thi của các tác giả khác được in trên báo. Mỗi câu chuyện kể (được giới thiệu trên báo) là một số phận, một cảnh ngộ, một nỗ lực phấn đấu, một kỷ niệm đẹp không ai giống ai đã ươm mầm, gieo hạt nhân ái, đã khích lệ, đã hướng thiện và thanh lọc tâm hồn...

Nhà giáo – nhà thơ Lê Văn Vỵ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201311/viet-bao-nhieu-van-chua-du-va-chua-het-1975249/