Viện vào lý do pháp luật để cấm Uber là 'cách tư duy lạc hậu'

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết các loại hình kinh doanh mới như Uber vào Việt Nam mang lại nhiều lợi ích. "Chúng ta không thể viện vào lý do pháp luật hiện nay chưa quy định để cấm. Đó là cách tư duy hoàn toàn lạc hậu".

Hoạt động của Uber đang gặp khó ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet

Trong khuôn khổ buổi họp báo về Diễn đàn "Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017" ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã viện dẫn câu chuyện về bản đề án của Uber bị từ chối đang được quan tâm trong thời gian vừa qua để minh họa cho vấn đề Nhà nước chưa thể thu được thuế như mong muốn đối với các dịch vụ xuyên biên giới trong bối cảnh khung pháp lý của Việt Nam còn gây nhiều tranh cãi.

Ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết: Uber là một ví dụ điển hình và là minh họa rất tốt cho mọi câu chuyện của thương mại điện tử. “Những mô hình kinh doanh mới như Uber vào Việt Nam rõ ràng đem lại rất nhiều lợi ích, tất nhiên, cũng có không ít mặt trái. Công nghệ mới thay đổi hoàn toàn cách chúng ta suy nghĩ, kinh doanh và tạo ra giá trị gia tăng cho mọi đối tượng trong xã hội. Chúng ta không thể “viện” vào lý do pháp luật của chúng ta hiện nay chưa quy định vấn đề này để cấm. Đó là cách tư duy hoàn toàn lạc hậu".

Theo Chủ tịch VECOM: "Các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới đa số là mang lại lợi ích tốt. Có thể một số loại hình nào đó chúng ta chưa thu được thuế thì đó là lỗi của chúng ta bởi đây là chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta không thể đỗ lỗi cho họ mà phải nhanh chóng củng cố luật pháp".

Xu hướng công nghệ, đặc biệt là CNTT, Internet đang làm thay đổi mọi thứ trên thế giới và cả Việt Nam nhưng chẳng may luật pháp chưa hoàn thiện thì nhánh lập pháp phải cùng nhau nỗ lực để làm cho luật pháp tốt hơn theo lợi ích chung chứ không thể nói là vì luật pháp hiện nay chưa quy định việc này mà cấm.

Mặc dù khẳng định rằng vẫn còn những điểm chưa tích cực đằng sau hoạt động của các mô hình kinh doanh mới như Uber. Nhưng Chủ tịch VECOM đã đặt ra một câu hỏi thú vị: "Nếu không có những dịch vụ công nghệ mới, chẳng hạn như Uber thì các hãng taxi có thay đổi nhanh như vừa qua không?".

Tuy nhiên, ông Hưng cũng phải thừa nhận việc thu thuế và quản lý hoạt động các loại hình dịch vụ mới không dễ và rất phức tạp: "Đánh thuế các dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới là câu chuyện khó trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Và chúng ta không thể yêu cầu các nhà lập pháp thay đổi ngay lập tức. Câu chuyện này rất phức tạp bởi luật pháp phải đảm bảo cơ hội phát triển nhưng cũng phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng và cân bằng lợi ích giữa các bên. Điều này không dễ".

Trước đó, Bộ GTVT đã thông báo chưa chấp thuận đề án của Uber do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, việc ủy quyền của Công ty Uber BV (Hà Lan) cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định số 24/QĐ-BGTVT là chưa phù hợp, không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Uber BV trong việc thực hiện đề án.

Ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Nếu Công ty TNBH Uber Việt Nam là đơn vị xây dựng, đề xuất Bộ GTVT phê duyệt và thực hiện đề án thí điểm, công ty này cần thực hiện đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động.

Về nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử, Bộ GTVT cho rằng Uber cần bổ sung mô tả và phân tích chi tiết nội dung và quy trình giao kết hợp đồng vận tải qua ứng dụng Uber. Nội dung hợp đồng điện tử phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô và quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Trao đổi trên báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết không có chuyện cấm Uber hoạt động tại Việt Nam bởi đề án gây tranh cãi mới đây liên quan tới giao dịch điện tử. Cụ thể, trong vận tải hành khách có loại xe hợp đồng. Trước đây các hãng làm hợp đồng cung cấp loại xe trên bằng giấy tờ, văn bản, giờ họ muốn làm hợp đồng điện tử cho nhanh nên làm đề án trên trình Bộ xem xét.

Ông Nguyễn Thanh Hưng cũng bình luận: "Cách hành xử của Việt Nam như hiện nay là tương đối hợp lý và thận trọng. Chúng ta nên hi vọng các nhà làm luật nhanh chóng".

Duy Vũ

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/vien-vao-ly-do-phap-luat-de-cam-uber-la-cach-tu-duy-lac-hau-149335.ict