Viện trợ của phương Tây cho Ukraine quá ít, quá muộn?

Cuộc họp mới nhất của các lãnh đạo phương Tây không mang lại cam kết cụ thể, làm gia tăng lo ngại việc Ukraine có thể hết đạn dược, vũ khí trong giai đoạn quyết định của chiến sự.

Lãnh đạo một số nước đồng minh phương Tây tham dự cuộc họp trực tuyến hôm 19/4 để thảo luận về các hình thức hỗ trợ Ukraine. Tuy vậy, dường như không đề nghị nào được đưa ra trong cuộc họp đủ sức nặng để có thể giúp Kyiv ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine, theo Politico.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thời gian qua cũng nhiều lần bày tỏ sự sốt ruột về tiến độ và số lượng vũ khí viện trợ từ phương Tây. "Nếu chúng tôi có được các loại vũ khí mình cần, những loại mà các đối tác sở hữu và đủ sức đối phó với vũ khí Nga, chúng tôi lẽ ra có thể kết thúc chiến sự sớm hơn", ông Zelensky nói hôm 19/4, theo Times.

Kể từ đầu chiến dịch quân sự cho đến ngày 20/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói nước này đã phá hủy 140 máy bay, gần 500 máy bay không người lái, 253 hệ thống tên lửa đất đối không, hơn 1.000 khẩu pháo và gần 2.400 xe tăng cùng xe bọc thép của quân đội Ukraine, theo TASS.

Cam kết của phương Tây mơ hồ?

Cuộc họp hôm 19/4 do Tổng thống Mỹ Joe Biden triệu tập, với sự tham gia của Thủ tướng Canada Justine Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Romania Klaus Iohannis và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tham dự.

Cam kết tiếp tục hỗ trợ bổ sung cho Ukraine được các nhà lãnh đạo đưa ra vào cuối cuộc họp. Tuy vậy, nó chỉ nhắc lại sự hỗ trợ mà các bên đã công bố trước đó. Những hỗ trợ mới dành cho Ukraine chỉ được đề cập mơ hồ.

Kết quả cuộc họp trực tuyến làm dấy lên lo ngại rằng quân đội Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí, đạn dược khi chiến sự với Nga ở vào thời khắc cao trào, có thể định đoạt cục diện toàn bộ cuộc chiến.

Từ đêm 18/4, Nga tiến hành các chiến dịch nhắm vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Theo TASS, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố bắt đầu giai đoạn mới của "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhắm vào Donbas, vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền hợp pháp của Ukraine ở miền Đông.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và một số quan chức Ukraine đã đề nghị phương Tây cung cấp thêm vũ khí, đạn dược, đồng thời khẳng định quân đội nước này sẽ không từ bỏ chủ quyền và lãnh thổ tổ quốc.

 Tổng thống Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Boris Johnson ở Kyiv. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Boris Johnson ở Kyiv. Ảnh: Reuters.

Một quan chức cấp cao EU khẳng định tầm quan trọng việc các lãnh đạo phương Tây kết nối với nhau thông qua hội nghị trực tuyến. Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận sự kiện chưa đem tới thêm "kết quả thực tế".

Thay vào đó, lãnh đạo các nước cập nhật thông tin về hỗ trợ đã được cung cấp cho Ukraine. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về khả năng bảo đảm an ninh cho Ukraine và tái thiết nước này trong tương lai.

Trong khi các cuộc thảo luận còn đang kéo dài, giao tranh ác liệt đã nổ ra ở miền Đông Ukraine. "Những gì xảy ra ở miền Đông có thể tạo ra những hệ quả to lớn cho toàn bộ tình hình ở Ukraine", một quan chức EU thừa nhận.

Hôm 19/4, khi được hỏi về khả năng gửi thêm vũ khí pháo binh cho Ukraine, Tổng thống Biden trả lời ngắn gọn là "có".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki sau đó trả lời bổ sung, nhưng không cung cấp thêm nhiều chi tiết. "Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo tham gia cuộc gặp đã nói về việc cung cấp thêm đạn dược và hỗ trợ an ninh cho Ukraine".

Thêm vũ khí hạng nặng, không trực tiếp can dự

Sau cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra một phát biểu mơ hồ hôm 19/4. Nhà lãnh đạo Đức cho biết Berlin đang chuẩn bị tiếp tế cho các nước thành viên NATO ở Đông Âu đã gửi vũ khí viện trợ Ukraine.

Cuối tuần trước, Đức công bố gói viện trợ quân sự hơn 1,2 tỷ USD dành cho Ukraine, một phần trong đó là tiền mặt để Ukraine tự mua sắm trang thiết bị quân sự. Bước đi này giúp Berlin tránh rơi vào những cuộc tranh luận về việc trực tiếp gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày 19/4, không rõ Đức sẵn sàng cung cấp bao nhiêu vũ khí cho Ukraine, cũng như những loại vũ khí nào Berlin cho phép Ukraine mua từ các nhà sản xuất của mình. Thay vào đó, Thủ tướng Scholz chỉ nói về việc tận dụng các vũ khí từ thời Liên Xô đang có ở các nước thành viên NATO Đông Âu.

"Các nước đồng minh có chung kết luận rằng sử dụng vũ khí ở các nước NATO phía đông là hợp lý nhất, và sau đó chúng ta cần bảo đảm an ninh ở những nước này trong tương lai", Thủ tướng Scholz nói.

 Pháo binh Ukraine khai hỏa từ một vị trí ở Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters.

Pháo binh Ukraine khai hỏa từ một vị trí ở Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức cũng nói thêm rằng cần cung cấp đủ tiền để Ukraine "mua sắm trang bị quân sự từ các nhà sản xuất" của phương Tây. Phát biểu này phản ánh quyết định đã được Berlin thực hiện trước đó.

Trong số vũ khí mà các nhà sản xuất Đức có thể cung cấp cho Ukraine bao gồm những trang thiết bị hạng nặng "sử dụng trong chiến tranh pháo binh". Tuy vậy, Thủ tướng Scholz tiếp tục bác bỏ khả năng cung cấp xe tăng Leopard hay Marder cho Ukraine.

Một cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Macron cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về phương án bảo đảm an ninh cho Ukraine.

"Chúng ta sẽ cần một khuôn khổ quốc tế để đáp ứng nhu cầu an ninh này", quan chức Pháp cho biết.

Tuy nhiên, bảo đảm an ninh cho Ukraine trong tương lai hiện còn quá sớm, bởi quân đội Nga vẫn đang phát động chiến dịch ở mặt trận miền Đông Ukraine. Trong đó, Mariupol tiếp tục là tâm điểm chú ý khi hàng nghìn thường dân đang mắc kẹt.

Tài liệu về kết quả hội nghị từ Văn phòng Thủ tướng Italy lại không đề cập tới phương án bảo đảm an ninh cho Ukraine. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo nhất trí hai điểm. Một là lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Hai là phối hợp hỗ trợ Ukraine trên mọi phương diện, đặc biệt là tài chính.

Tài liệu từ phía Italy cũng nhắc tới việc các nước phương Tây sẽ tăng cường sức ép lên Điện Kremlin, bao gồm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt. Các nước cũng cam kết đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm thiểu phụ thuộc vào Nga.

Từ London, Văn phòng Thủ tướng Johnson cho hay Anh "nhấn mạnh tầm quan trọng tăng cường viện trợ quân sự giúp quân đội Ukraine đối mặt với các chiến dịch của Nga tại Donbas cũng như các mặt trận khác".

"Các nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp tìm giải pháp an ninh lâu dài, bảo đảm Ukraine sẽ không bao giờ gặp phải xung đột như hiện nay thêm một lần nữa", người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Kishida có kế hoạch giải ngân khoản vay ưu đãi trị giá 300 triệu USD dành cho Ukraine, tăng gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu.

Trong suốt cuộc thảo luận, các nhà lãnh đạo không lật lại quyết định từ chối trực tiếp can dự vào Ukraine. Điều này đồng nghĩa người dân Ukraine sẽ tiếp tục tự lực chiến đấu bảo vệ đất nước.

Hôm 20/4, Tổng thống Zelensky cảnh báo tình hình ở Mariupol đang trở nên tồi tệ hơn. Nhà lãnh đạo Ukraine cho hay hàng trăm người ở Mariupol bị thương đang chờ được chữa trị, Reuters đưa tin.

Quân đội Nga đã sử dụng bom xuyên phá để tấn công vào các hầm trú ẩn bên dưới nhà máy thép Azovstal. Hiện có khoảng 1.000 thường dân trú ẩn dưới nhà máy thép, Tổng thống Zelensky cho biết.

Video Nga thử tên lửa chiến lược Sarmat Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ phóng thử tên lửa Sarmat ngày 20/4 là sự kiện "có ý nghĩa quan trọng" với đất nước. Ông chúc mừng quân đội về vụ phóng thử thành công.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vien-tro-cua-phuong-tay-cho-ukraine-qua-it-qua-muon-post1311116.html