Viện kiểm sát thông báo rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật vụ án hình sự

Thông qua công tác kiểm sát Bản án hình sự sơ thẩm số 54/2023/HS-ST ngày 24/7/2023 của TAND tỉnh Q, xét xử bị cáo Nguyễn Tấn N cùng đồng phạm về tội 'Giết người' quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự (BLHS), VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (Viện cấp cao 2) vừa ban hành thông báo đến các Viện kiểm sát trong khu vực để rút kinh nghiệm chung, nhằm nâng cao chất lượng trong việc giải quyết các vụ án hình sự. (Thông báo số 62/KN-VC2-V1 ngày 29/9/2023).

Nội dung vụ án và quá trình giải quyết thể hiện, do có mâu thuẫn từ trước nên các bị cáo Nguyễn A và Nguyễn Tấn N thách thức đánh nhau. Bị cáo Nguyễn Tấn N. rủ các bị cáo Nguyễn Vũ L, Nguyễn Văn T, Lâm Văn M. tìm đánh nhóm của bị cáo Nguyễn A thì tất cả đều đồng ý. Đến khoảng 00h26’ ngày 23/2/2022, phát hiện nhóm Nguyễn A gồm: A, Đỗ Ngọc T, Nguyễn Vĩnh P, Nguyễn Ngọc C, Nguyễn Minh D và Trần Trọng K. đang ngồi tại quán nhậu thì Nguyễn Vũ L, Nguyễn Văn T, Lâm Văn M cầm hung khí xông vào đánh chém nhóm bị cáo Nguyễn A; nhóm bị cáo Nguyễn A cũng dùng hung khí đánh chém lại.

Hậu quả những người bị thương gồm: Trần Trọng K 18%, Đỗ Ngọc T 6%, Nguyễn Minh D 13%, Lâm Văn M 10%, Nguyễn Vũ L 14%.

 Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm một vụ án hình sự. (Ảnh minh họa)

Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm một vụ án hình sự. (Ảnh minh họa)

Bản án hình sự sơ thẩm số 57/2023/HS-ST ngày 5/7/2023 của TAND tỉnh Q áp dụng khoản 2 Điều 123; điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52; khoản 3 Điều 57; khoản 3 Điều 54; Điều 58; Điều 38 BLHS xử phạt bị cáo Nguyễn A 4 năm tù. Ngoài ra, bản án còn tuyên trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt với 7 bị cáo khác; tuyên trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Theo Viện cấp cao 2, trong vụ án trên có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cụ thể, trong vụ án này bị cáo Nguyễn A phạm tội thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm”, đây là dấu hiệu định khung quy định tại điểm p khoản 1 Điều 123 BLHS.

Tại khoản 2 Điều 52 BLHS quy định: “2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Quy định này đã xác định rõ thứ tự áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung trước, khi không được áp dụng là dấu hiệu định tội, định khung thì mới được áp dụng làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Do vậy, việc chỉ áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS và truy tố, xét xử bị cáo Nguyễn A theo quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS là áp dụng pháp luật không đúng, dẫn đến truy tố, xét xử bị cáo Nguyễn A không đúng khung hình phạt.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vien-kiem-sat-thong-bao-rut-kinh-nghiem-viec-ap-dung-phap-luat-vu-an-hinh-su-147139.html