Viện Kiểm sát nhân dân nói về không truy cứu tội 'lừa dối khách hàng'

Liên quan đến vụ án tráo máy nông cụ xảy ra tại xã La Dạ, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Hàm Thuận Bắc đã đồng ý quan điểm thay đổi tội danh của Công an huyện từ tội 'Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí' sang tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng', và vừa ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thúc Mẫn (42 tuổi, nguyên chủ tịch) và Dương Ngọc Như Hiền (37 tuổi, nguyên kế toán) xã La Dạ. Sau khi Báo Bình Thuận phản ánh, cũng có dư luận cho rằng việc không truy cứu trách nhiệm đối với Hồ Minh Thắng, về tội 'lừa dối khách hàng' là không công bằng, bởi ông Thắng đóng vai trò là người hợp đồng cung cấp máy với UBND xã La Dạ dẫn đến vụ việc.

Vụ án tráo máy nông cụ ở La Dạ

Vụ án tráo máy nông cụ ở La Dạ:

“Không lừa dối” vì thực hiện như hợp đồng

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, VKSND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Không truy cứu trách nhiệm đối với Hồ Minh Thắng là bởi, trong hợp đồng mua bán tài sản giữa Thắng với UBND xã La Dạ không quy định cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ và đặc điểm kỹ thuật của các loại máy móc. Thắng đã cung cấp sản phẩm không đúng nội dung hợp đồng hưởng lợi bất chính. Tuy nhiên, đây là hợp đồng mua bán thỏa thuận về dân sự giữa các bên, trách nhiệm của mỗi bên được ghi cụ thể trong hợp đồng.

Theo đó, bên A (bên mua) có trách nhiệm kiểm tra số lượng và chất lượng của hàng hóa được giao, phối hợp cùng bên B giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giao nhận hàng và nếu bên nào làm sai, bên đó chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường các khoản tổn thất do bên đó gây ra. Sau khi có được hợp đồng mua bán tài sản với UBND xã La Dạ, Hồ Minh Thắng đã liên hệ với các cơ sở khác đặt mua sản phẩm như hợp đồng đã ký. Thắng tin tưởng không kiểm tra cụ thể từng sản phẩm vì trong hợp đồng đã ghi rõ bên A (xã La Dạ) có trách nhiệm kiểm tra số lượng và chất lượng của hàng hóa được giao.

Tuy nhiên, sau khi giao sản phẩm cho các hộ dân, khi phát hiện máy móc không đảm bảo chất lượng, Thắng đã chủ động khắc phục hậu quả trong ngày 6/1/2017 (đến nay đã khắc phục xong). Việc này thể hiện Thắng đã thực hiện như hợp đồng đã ký kết với UBND xã La Dạ về nội dung “nếu bên nào làm sai, bên đó chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường các khoản tổn thất do bên đó gây ra”. Việc làm này của Thắng thể hiện trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng đã ký không phải cố tình lừa dối khách hàng.

Ngoài La Dạ, nông dân xã khác cũng nhận máy nông cụ phục vụ sản xuất theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Mặt khác, khi nhận máy móc Huỳnh Thúc Mẫn không kiểm tra để yêu cầu Thắng thực hiện đúng hợp đồng ngay tại thời điểm giao nhận máy như trong hợp đồng đã nêu, nên trách nhiệm này thuộc về Huỳnh Thúc Mẫn. Thắng không có hành vi lừa dối UBND xã La Dạ, đây chỉ là thỏa thuận mua bán hàng hóa giữa hai bên. Do đó, Hồ Minh Thắng không phạm tội: “Lừa dối khách hàng” quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự. Do vậy, đây là vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do Huỳnh Thúc Mẫn và Dương Ngọc Như Hiền thực hiện.

Đã kỷ luật nhiều người

VKSND huyện cho biết, đối với những người liên quan, trong đó có Trưởng phòng Dân tộc huyện, là những người thực hiện theo sự phân công của Huỳnh Thúc Mẫn và tham gia hội đồng nghiệm thu máy móc, nông cụ, nhưng tất cả không phải là người có trách nhiệm chính trong việc thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg, tất cả chỉ tham gia theo chỉ đạo và yêu cầu của Mẫn, không có quy định trách nhiệm cụ thể của từng người, không có quyết định thành lập hội đồng nên không đồng phạm trong vụ án.

Với trách nhiệm liên quan, những người này đã bị kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền. Trong đó Trưởng phòng Dân tộc và một Phó Chủ tịch xã bị cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền; Phó Trưởng phòng Tài chính kế hoạch bị khiển trách về mặt Đảng; 2 chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng và Phòng Nông nghiệp bị khiển trách về mặt Đảng, cảnh cáo về mặt chính quyền.

Như đã đưa, 306 hộ tại xã La Dạ được hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ số tiền 5 triệu đồng/hộ, tổng số tiền 1,53 tỷ đồng. Theo chủ trương, UBND xã La Dạ phải cấp hỗ trợ cho người dân số tiền 5 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên sau khi hỏi và nhận được sự chỉ đạo miệng của Trưởng phòng Dân tộc huyện về chủ trương không phát tiền cho dân mà quy đổi thành máy móc, nông cụ. Huỳnh Thúc Mẫn đã triển khai và UBND xã La Dạ đứng ra làm trung gian mua giúp máy móc, nông cụ cho các hộ dân được thụ hưởng.

Tuy có làm trái quy định về việc cấp tiền sang cấp máy, nhưng việc thực hiện trái này nhằm mục đích để cho các hộ dân có máy móc, nông cụ sản xuất phục vụ đời sống sinh hoạt là phù hợp, đáp ứng được điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương, tương tự như một số xã trong địa bàn huyện đã triển khai và thu được kết quả tốt. Tuy nhiên khi vận dụng thực hiện ký kết, lựa chọn đơn vị cung ứng máy móc, nông cụ, thì xảy ra việc thiếu kiểm tra dẫn đến bị trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Trần Huỳnh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/vu-an-trao-may-nong-cu-o-la-da-vien-kiem-sat-nhan-dan-noi-ve-khong-truy-cuu-toi-lua-doi-khach-hang-136037.html