Viễn cảnh đen tối và hy vọng trong trò chơi sống còn

Mặc dù những viễn cảnh 'phản địa đàng' này đen tối, nhưng chúng là những lời cảnh báo về một hướng mà xã hội đang đi.

Ảnh trong phim Trò chơi con mực.

Những câu chuyện "phản địa đàng" (dystopia) - bước ra từ tiểu thuyết, phim ảnh cho đến trò chơi - thường được coi là phản ảnh bi quan về cách mà xã hội đang vận hành.

Dystopia, từ gốc Hy Lạp, dùng để chỉ các xã hội phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ. Những thể loại thế giới "phản địa đàng" cổ điển thường đưa ra viễn cảnh về một tổ chức toàn trị với một bộ máy hay đàn áp - chẳng hạn tác phẩm Đấu trường sinh tử hay Chuyện người tùy nữ

Ngoài mối đe dọa về cách kiểm soát độc đoán và bạo lực từ bên ngoài thì những câu chuyện hư cấu như thế còn đưa ra những viễn cảnh đen tối về cách mỗi cá nhân có thể bị tha hóa, nhồi sọ và biến đổi như thế nào.

Các câu chuyện ấy phản ánh những gì đã diễn ra ở thế kỷ 20, về chủ nghĩa độc đoán từ chủ nghĩa phát xít và hơn thế nữa. Với những gì đã xảy ra trong lịch sử như thế, việc xuất hiện những viễn cảnh về "phản địa đàng" như một nơi thể hiện nỗi lo sợ của con người về các thể chế là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, vào khoảng thời gian chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, các tác giả theo phong cách "phản địa đàng" ngày càng chuyển sự chú ý của họ sang việc phê phán chủ nghĩa tư bản. Các câu chuyện lúc này chọn bày ra những thế giới hư cấu nơi nhân vật chính cạnh tranh với nhau trong những trò chơi chết chóc.

Trò chơi sống còn

Nhánh nhỏ này của mô hình "phản địa đàng" trưng ra các cuộc thi "trừ khử", tức là cuộc thi ấy chỉ có một người chiến thắng. Kịch bản có vẻ cực đoan hoặc vô lý nhưng lại là những lời châm biếm rất đúng về một xã hội còn nhiều vấn đề nội tại.

Các trò chơi trong những thế giới đen tối này có xu hướng cực kỳ tàn khốc, và tính mạng con người thường được đặt cược vào kết quả.

Các nhân vật chính vật lộn với những thử thách cần nhiều mưu kế, phải chịu đựng nỗi đau và sự thất vọng, phải hợp tác với nhau hoặc hủy hoại lẫn nhau, hay bỗng giật được chiến thắng bên rìa thất bại - việc quan sát những thứ trên gợi nhắc ta về những cuộc vật lộn của chính mình. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng số phận của mình thường phụ thuộc nhiều vào thành tích của bản thân trong cuộc sống.

Ngay cả khi chúng ta không gặp nguy hiểm chết người, cuộc sống chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào sự cạnh tranh. Ở trường, ta gắng đạt điểm cao nhất. Ở thị trường lao động, ta cạnh tranh để có việc làm. Trên phương tiện truyền thông xã hội, ta tranh giành sự chú ý và sự đồng tình từ người khác. Ngay cả trong tình yêu và tình bạn, dường như thế giới đương đại tràn ngập sự ganh đua.

Tất nhiên đây không phải bản tính tự nhiên của con người và cũng không phải đặc điểm chung của tất cả xã hội mà là kết quả của tư duy hoặc văn hóa siêu cạnh tranh được nuôi dưỡng trong bối cảnh của chủ nghĩa tư bản đương đại. Về cơ bản, viễn cảnh trong những trò chơi "phản địa đàng" này phê phán sự khốc liệt ngày càng lớn của chủ nghĩa tư bản, khi mọi quyết định được đưa ra đều có tính đến yếu tố thị trường trước tiên.

Mô hình "phản địa đàng" phóng đại những gì chúng châm biếm để làm rõ quan điểm của các tác giả, nhà sản xuất. Hãy cùng xem xét hai trong số những ví dụ phổ biến và có tầm ảnh hưởng: The Hunger Games (Đấu trường sinh tử) và Squid Game (Trò chơi con mực).

Lấy bối cảnh là một chế độ chuyên chế trong tương lai, Đấu trường sinh tử là một chiến dịch tuyên truyền tàn bạo, theo đó "Capitol" ("thủ đô" của vùng đất trong tác phẩm, một thành phố hiện đại và đẹp đẽ) bắt các thiếu niên "bị cống nạp" từ các quận đã bị Capitol khuất phục đấu đá nhau trong "bể máu", sau đó phát sóng trên truyền hình. Giải thưởng của đấu trường này là một cuộc sống tương đối xa hoa, mặc dù những kẻ thắng cuộc thường bị sang chấn bởi chính chiến thắng của mình.

Bộ sách Đấu trường sinh tử được phát hành ở Việt Nam.

Dù nội dung có phần quái, bộ phim đã gây được tiếng vang trong cộng đồng những người trẻ, có lẽ do nó phản ánh trải nghiệm của thanh niên trong không gian mạng xã hội hoặc thậm chí là phản ánh xu hướng phát triển của truyền hình thực tế như một phương tiện cho sự dịch chuyển của xã hội. Rộng hơn, phim cũng phản ánh bộ mặt của hệ thống tư bản, nơi người giàu ngày càng giàu hơn và người nghèo mãi nghèo; sự dịch chuyển của xã hội lúc này chỉ có thể xảy ra đối với một số ít "người được chọn", những người vượt trội.

Trò chơi con mực thì mô tả cuộc chiến sinh tử được dàn dựng bởi một tổ chức tội phạm mờ ám với sự hậu thuẫn của các tỷ phú, nơi các thí sinh tranh tài trong các trò chơi dân gian của trẻ em phiên bản chết chóc. Bốn trăm năm mươi sáu người ở xã hội Hàn Quốc đương đại - hoặc tuyệt vọng hoặc nợ nần - đã bị lôi kéo tham gia, và chỉ một người sẽ sống sót. Kịch bản siêu thực này phản ánh cuộc khủng hoảng nợ cá nhân ở Hàn Quốc cũng như đạo đức của kẻ toàn thắng trong chủ nghĩa tư bản đương đại.

Trong mỗi phim, chúng ta lại được theo chân các nhân vật chính, những người thường phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về đạo đức khi họ chiến đấu để sinh tồn. Ta đồng cảm với cuộc đấu tranh của Katniss Everdeen trong Đấu trường sinh tử và mừng cho Katniss khi cô liên minh với những người chơi yếu hơn. Ta cổ vũ cho đội của Seong Gi-Hun trong Trò chơi con mực ở trò kéo co chết chóc nhưng thay đổi thái độ ngay khi anh lợi dụng tính đãng trí của một thí sinh lớn tuổi hơn để khiến ông thua.

Những cảnh tượng đẫm máu

Đáng chú ý, cả hai cuộc thi này là một dị tượng với khán giả.

Đấu trường sinh tử là một chương trình truyền hình với mục đích tuyên truyền cho một chế độ toàn trị, còn các tỷ phú tàn bạo thì xem Trò chơi con mực từ một buồng riêng. Hiện tượng này xảy ra được là nhờ lợi dụng cái cách mà cuộc sống hiện đại đang hiện diện quá rõ ràng trên các nền tảng mạng xã hội. Song, điều này cũng khiến chúng ta trở thành đồng lõa thông qua tư cách là những khán giả thích xem những cuộc thi đẫm máu.

Trong bộ phim, vai trò của mưu kế và sự chân thực cũng là một yếu tố cần được bàn luận.

Katniss Everdeen - biểu tượng Đấu trường sinh tử do Jennifer Lawrence thủ vai.

Chúng ta đã thấy Katniss dàn dựng một chuyện tình chỉ để đảm bảo sự sống còn của mình. Hay như Seong Gi-Hun trong Trò chơi con mực cuối cùng cũng nhận ra đồng minh của mình - ông lão mà anh đã lợi dụng - thật ra lại là một trong những người tổ chức giải đấu đau khổ này.

Trò chơi đầy rẫy sự giả dối và ngờ vực này, đặt trong những cảnh tượng như thế, có lẽ phản ánh rất chính xác việc chúng ta phải vật lộn giữa việc liên tục bị người khác chi phối nhận thức trong bối cảnh mạng xã hội là thứ không thể tránh khỏi.

Mặc dù những viễn cảnh "phản địa đàng" này cực kỳ đen tối, nhưng chúng là những lời cảnh báo về hướng mà xã hội đang đi, hoặc chúng đưa ra những phân tích về các nhân tố sắp thống trị thế giới nhưng không phải ta không tránh được. Điều thú vị là sự nổi tiếng của Trò chơi con mực đã dẫn đến việc nó được chuyển thể thành game show nơi “456 người chơi sẽ cạnh tranh để giành phần thưởng đổi đời trị giá 4,56 triệu đôla”.

Tuy nhiên, những câu chuyện "phản địa đàng" này mặt khác cũng mang lại niềm hy vọng. Việc các nhân vật chính chơi những trò này thông qua hợp tác thay vì cạnh tranh, quan tâm nhau thay vì tàn nhẫn với nhau, đã mang đến một điểm đối lập không tưởng - một điểm mà chúng ta có thể noi theo trong cuộc sống của chính mình. Từ chối chơi trò chơi đó hoặc chơi theo cách khác không phải là một hành động tầm thường, bởi cuộc sống và tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.

Thái Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vien-canh-den-toi-va-hy-vong-trong-tro-choi-song-con-post1410605.html