Viêm phổi: Biểu hiện, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại nhu mô phổi do các căn nguyên vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Đây là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 450 triệu người trên khắp toàn cầu. Tỉ lệ tử vong do viêm phổi khoảng 7% mỗi năm.

Nội dung

1. Nguyên nhân bệnh viêm phổi

Do vi khuẩn

2. Dấu hiệu của bệnh viêm phổi

3. Bệnh viêm phổi có bị lây không

4. Phòng bệnh viêm phổi

Để phòng ngừa viêm phổi cần thực hiện các nguyên tắc sau

5. Cách điều trị viêm phổi

1. Nguyên nhân bệnh viêm phổi

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm phổi, trong đó hay gặp các nguyên nhân sau đây:

Do vi khuẩn

Vi khuẩn là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm phổi cộng đồng ở người trưởng thành. Viêm phổi do vi khuẩn thường lây truyền qua đường giọt bắn (khi người khỏe mạnh hít, nuốt phải các giọt chứa đầy vi khuẩn sau khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi). Những người có hệ miễn dịch suy yếu, những người có các bệnh lý nền mạn tính sẽ dễ bị viêm phổi do vi khuẩn hơn người bình thường.

Do nấm

Loại viêm phổi này do hít phải các bào tử của nấm, hay gặp ở những người có vấn đề sức khỏe mạn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Viêm phổi do nấm phát triển rất nhanh, khi hít phải các bào tử nấm sẽ bám vào phổi. Người hút thuốc lá, sinh sống ở môi trường bụi bẩn, ẩm mốc… dễ mắc bệnh viêm phổi do nấm.

Do hóa chất

Viêm phổi do hóa chất hay còn được gọi là viêm phổi hít. Đây là bệnh viêm phổi rất ít gặp, nhưng mức độ nguy hiểm cao. Viêm phổi do hóa chất xảy ra với nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nặng của tình trạng này sẽ phụ thuộc vào loại hóa chất, thời gian phơi nhiễm, thể trạng người bệnh, các biện pháp sơ cứu đã thực hiện… Ngoài ra, các hóa chất gây viêm phổi còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác.

Viêm phổi lây nhiễm tại bệnh viện, còn gọi là viêm phổi bệnh viện. Đây là viêm phổi xảy ra sau 48 giờ nhập viện mà trước đó người bệnh không có các triệu chứng của viêm phổi. Viêm phổi bệnh viện thường do những vi khuẩn gây ra là P. Aeruginosa, Acinetobacter spp, Enterobacteriacae, Haemophillus spp, S. Aureus, Streptococcus spp.

Còn viêm phổi cộng đồng là cách chỉ tất cả các loại viêm phổi mà không phải là viêm phổi bệnh viện. Nguyên nhân gây ra viêm phổi cộng đồng rất đa dạng, thông thường nhất là viêm phổi do vi khuẩn, virus.

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại nhu mô phổi do các căn nguyên vi khuẩn, virus, nấm gây nên.

2. Dấu hiệu của bệnh viêm phổi

- Ho là triệu chứng thường xuất hiện sớm, ho thành cơn hoặc thúng thắng, thường là ho có đờm. Trường hợp điển hình ho có màu rỉ sắt. Ngoài ra, có thể ho đờm vàng xanh. Đờm có thể có mùi hôi, thối.

- Bệnh nhân có thể cảm thấy bị đau ngực, khó thở. Triệu chứng này biểu hiện tùy thuộc mức độ nặng của viêm phổi.

- Trường hợp viêm phổi nhẹ, bệnh nhân có thể không hoặc chỉ khó thở nhẹ. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có biểu hiện suy hô hấp: Tím tái, thở nhanh nông, co kéo các cơ hô hấp.

- Một triệu chứng khác của viêm phổi cũng có thể sẽ làm người bệnh lo lắng đó là sốt. Sốt thành cơn hoặc sốt liên tục cả ngày, kèm rét run hoặc không. Mức độ sốt có thể dao động từ sốt nhẹ 38 - 38,5 độ C đến sốt cao 39 - 40 độ C.

- Cá biệt những trường hợp bệnh nhân sức đề kháng suy giảm như người già, trẻ nhỏ có thể không sốt, mà biểu hiện bằng tình trạng hạ thân nhiệt.

3. Bệnh viêm phổi có bị lây không

Nguyên nhân gây ra viêm phổi cộng đồng rất đa dạng, thông thường nhất là viêm phổi do vi khuẩn, virus, nấm. Trong đó, viêm phổi do virus và vi khuẩn gây ra thì có thể lây truyền giữa người với người. Viêm phổi do nấm sẽ không thể lây truyền. Ngoài ra, viêm phổi do ký sinh trùng, do bụi kim loại cũng không lây.

4. Phòng bệnh viêm phổi

Để phòng ngừa viêm phổi cần thực hiện các nguyên tắc sau

- Giữ ấm đường thở: Khi thời tiết trở lạnh, cần lưu ý giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài: Mặc thêm áo ấm, đội mũ len, mang thêm găng tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm...

- Bổ sung đủ dinh dưỡng: Cần được ăn uống đầy đủ, nhất là những trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ, người cao tuổi, người bệnh lý nền. Vì dinh dưỡng đầy đủ đóng vai trò quan trọng với miễn dịch chung cho toàn cơ thể. Một số vi chất thiết yếu trong cơ thể như vitamin, khoáng chất là không thể thiếu để giúp hệ miễn dịch hoạt động một cách bình thường. Do đó, cần phải bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, một chế độ ăn cân đối. Bên cạnh đó cần chú ý uống đủ nước.

- Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống: Ngoài những biện pháp đặc hiệu kể trên, rửa tay cũng là 1 trong những cách hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và kể cả viêm phổi. Tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây quan trọng của các bệnh này là qua trung gian bàn tay nhiễm bẩn. Do đó, cần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, hoặc sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn.Nhất là khi tiếp xúc gần với người đang bị cảm ho - dù chỉ là cảm ho thông thường. Vì virus gây bệnh viêm phế quản - phổi là loại virus có khả năng lây lan cao và gây bệnh cho mọi người.

- Cần luyện tập thể dục thể thao đều đặn, vừa sức, sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu mắc các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, suy tim, tiểu đường… cần theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh kể trên. Ngoài ra, một biện pháp phòng ngừa viêm phổi hiệu quả là cần tiêm vaccine phòng phế cầu và vaccine phòng cúm.

Nguyên nhân gây ra viêm phổi cộng đồng rất đa dạng, thông thường nhất là viêm phổi do vi khuẩn, virus.

5. Cách điều trị viêm phổi

Tùy từng nguyên nhân, bệnh cảnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp, bao gồm điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng, biến chứng:

Điều trị căn nguyên: Tùy theo căn nguyên nghi ngờ hoặc xác định mà chỉ định thuốc kháng vi sinh vật phù hợp: Kháng sinh đối với vi khuẩn; kháng virus nếu viêm phổi do cúm, SARS-CoV-2; kháng nấm trong trường hợp viêm phổi do nấm.

Điều trị triệu chứng/biến chứng: Hạ sốt, bồi phụ nước điện giải, thuốc long đờm, hỗ trợ oxy trong trường hợp suy hô hấp/giảm oxy máu, thở máy trong trường hợp suy hô hấp nguy kịch.

Điều trị viêm phổi tại nhà: Hầu hết các triệu chứng viêm phổi sẽ thuyên giảm trong vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác mệt mỏi, khó chịu có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc hơn. Khi điều trị tại nhà, người bệnh sẽ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời cần ghi nhớ lịch hẹn tái khám theo chỉ định, hoặc đến bệnh viện ngay nếu có biến chứng khó thở, sốt cao không hạ…

Ngoài ra, để quá trình điều trị và phục hồi hiệu quả, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, vận động và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo năng lượng để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe.

Người bệnh viêm phổi cần giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là lúc giao mùa. Tránh môi trường có nhiều khói thuốc lá, không hút thuốc lá… Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng sẽ có tác dụng diệt khuẩn, đặc biệt là từ bên ngoài trở về nhà.

Mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh có thể lây qua đường hô hấp…

Vệ sinh hầu họng, mũi miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, nhằm loại bỏ vi khuẩn hiện diện.

BS Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viem-phoi-bieu-hien-nguyen-nhan-chan-doan-va-dieu-tri-169240302105009102.htm