VIỆC TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH PHẢI LUÔN BÁM SÁT CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC GIẢI TRÌNH

Nhấn mạnh việc tổ chức các phiên giải trình nhằm mục tiêu giám sát chuyên sâu hơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, việc lựa chọn chủ đề giải trình cần hướng đến những vấn đề 'nóng' đang gặp vướng mắc, có ảnh hưởng đến xã hội, đời sống người dân. Việc tổ chức phiên giải trình cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng, đồng thời luôn bám sát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực giải trình, từ đó nghiên cứu, đánh giá, kịp thời phát hiện những quy định cần sửa đổi, bổ sung, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Mục tiêu giám sát chuyên sâu hơn, nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình

Việc tổ chức các phiên giải trình là một hình thức giám sát theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, giúp phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua đại diện là các đại biểu Quốc hội. Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ sở quan trọng để thực hiện hoạt động giải trình một cách đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, việc tổ chức các phiên giải trình nhằm mục tiêu giám sát chuyên sâu hơn về một nội dung nhất định, nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình, cơ quan phối hợp giải trình khi phải báo cáo, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, phiên giải trình cũng là cơ hội để các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình, cơ quan phối hợp giải trình cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trao đổi, làm rõ các vấn đề với đại biểu Quốc hội, với cử tri, góp phần tạo ra sự thống nhất, nhận thức đúng đắn trong dư luận xã hội. Do đó, thuận lợi của việc tổ chức các phiên giải trình là sự quan tâm của các Lãnh đạo Quốc hội, sự ủng hộ của xã hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, ngày 28/2/2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về “tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu”. Đây là phiên giải trình đầu tiên trong nhiệm kỳ Uy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV. Trong năm 2024, Ủy ban Kinh tế dự kiến tổ chức phiên giải trình về nội dung trong lĩnh vực ngân. Trên cơ sở kết quả tổ chức các phiên giải trình qua các nhiệm kỳ gần đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế có một số đánh giá, nhận xét và đề xuất, kiến nghị liên quan đến nội dung này.

Về quy trình tổ chức phiên giải trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nêu các bước tổ chức phiên giải trình của Ủy ban như sau:

- Lập kế hoạch tổ chức phiên giải trình.

- Đề nghị cơ quan chịu trách nhiệm giải trình, các cơ quan phối hợp giải trình chuẩn bị báo cáo về nội dung giải trình.

- Xây dựng một số câu hỏi để các đại biểu tham khảo.

- Tổ chức phiên giải trình: Thành phần tham dự phiên giải trình bao gồm các đại biểu là thành viên Ủy ban Kinh tế, đại diện các cơ quan của Quốc hội, đại diện một số Đoàn ĐBQH, một số ĐBQH, đại diện lãnh đạo cơ quan chịu trách nhiệm giải trình và các cơ quan phối hợp giải trình, đại diện các bộ, ngành, địa phương có liên quan, một số tổ chức, hiệp hội, chuyên gia. Trong phiên giải trình, các đồng chí được phân công chủ trì, điều hành sẽ phân bổ thời gian hợp lý để các ĐBQH đặt câu hỏi và cơ quan giải trình trả lời.

- Sau phiên giải trình, Ủy ban Kinh tế xây dựng báo cáo kết quả phiên giải trình để báo cáo Lãnh đạo Quốc hội, gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thuận lợi và khó khăn trong việc tổ chức phiên giải trình

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, hiện nay quy trình tổ chức phiên giải trình đã được hướng dẫn cụ thể trong Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH (Điều 10 đến Điều 15). Một điểm mới của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH là việc kết luận vấn đề được giải trình và biểu quyết thông qua kết luận tại phiên giải trình. Đây là một nội dung quan trọng, cần được quán triệt và triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức các phiên chất vấn của Quốc hội, các phiên giải trình của các cơ quan của Quốc hội nói chung và Ủy ban Kinh tế nói riêng đều nhận được sự ủng hộ cao của cử tri, nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội. Phiên giải trình về “tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu” là một chủ đề “nóng”, ngay từ khi Ủy ban Kinh tế mới gửi công văn, giấy mời về việc tổ chức Phiên giải trình đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thì nhiều báo chí đã đồng loạt đưa tin về Phiên giải trình này.

Phiên giải trình “tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức

Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cũng chỉ rõ thách thức lớn nhất đối với việc triển khai Nghị quyết số 969/NQ UBTVQH15 là việc kết luận vấn đề được giải trình và biểu quyết thông qua kết luận tại phiên giải trình. Quy định này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, thậm chí phải dự tính trước các tình huống, kết quả của phiên giải trình để dự thảo kết luận. Trong quá trình diễn ra phiên giải trình, đòi hỏi phải liên tục hoàn thiện kết luận theo diễn biến của phiên giải trình để có thể kịp thời thông qua ngay trong phiên giải trình. Đây là thách thức đối với cả cơ quan tổ chức giải trình, các đại biểu Quốc hội và đội ngũ tham mưu, phục vụ.

Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình cũng là một thách thức lớn. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự phân bổ nguồn lực hợp lý để theo dõi sát sao hoạt động của cơ quan giải trình trong việc thực hiện kết luận giải trình; đồng thời, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân phải đa dạng hóa nguồn thông tin để nắm bắt kịp thời tình hình.

Trong hoàn cảnh khối lượng công việc chuyên môn của các cơ quan của Quốc hội đều rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng, các đại biểu Quốc hội cũng như các cán bộ, chuyên viên cơ quan tham mưu đều phải rất nỗ lực, cố gắng để đáp ứng yêu cầu công việc, trong đó có việc tổ chức được một phiên giải trình chất lượng.

Lựa chọn chủ đề giải trình là những vấn đề “nóng” đang gặp vướng mắc, ảnh hưởng đến xã hội

Từ những vấn đề nêu trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đã đúc kết một số bài học kinh nghiệm và cho rằng, yếu tố đầu tiên tạo nên kết quả của một phiên giải trình là cần lựa chọn chủ đề giải trình “đúng” và “trúng”. Đối với “Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu” đã được tổ chức trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước vừa trải qua nhiều biến động, thiếu hụt nguồn cung, giá tăng cao, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ các đơn vị bán lẻ xăng dầu đồng loạt “đóng cửa” do không bảo đảm chi phí tối thiểu.

Vì vậy, việc lựa chọn chủ đề giải trình cần hướng đến những vấn đề “nóng” đang gặp vướng mắc, vụ việc gây bức xúc, nổi cộm trong Nhân dân, có ảnh hưởng đến xã hội, đời sống người dân.

Việc tổ chức phiên giải trình cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng, trong đó việc xây dựng các câu hỏi để tham khảo có ý nghĩa quan trọng, giúp các đại biểu Quốc hội có được một số định hướng cơ bản để khai thác sâu các vấn đề. Đặc biệt, phải luôn bám sát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực giải trình, nắm bắt kịp thời tình hình thực tế, đối chiếu với các quy định hiện hành để nghiên cứu, đánh giá, phát hiện những quy định cần sửa đổi, bổ sung, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, khi tổ chức phiên giải trình cần quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền. Các nội dung được các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình, phối hợp giải trình trao đổi là tư liệu quan trọng cho công tác tuyên truyền, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng các chủ trương, chính sách của Nhà nước, căn cứ, cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định điều hành. Trong trường hợp nội dung trao đổi trong phiên giải trình có tính chất nhạy cảm, có khả năng bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc thì cần chuẩn bị thông cáo báo chí để có sự thống nhất.

Cần quy định chặt chẽ hơn về việc thực hiện kết luận giải trình

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đề xuất tổ chức các chương trình tập huấn cho các đại biểu Quốc hội để nâng cao kỹ năng tham gia các phiên giải trình; đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ các phiên giải trình.

Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng quy định chặt chẽ hơn về việc thực hiện kết luận giải trình, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chịu trách nhiệm giải trình, người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện kết luận giải trình.

Đề nghị Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế phục vụ công tác chuyên môn cho các đơn vị trực thuộc, bảo đảm hoàn thành được khối lượng công việc lớn, thường phát sinh trong thời gian gấp./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85789