VIỆC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC HIỆN NAY KHÔNG CHỈ GIỚI HẠN TRONG XỬ LÝ NƯỚC Ô NHIỄM

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Quan tâm đến dự thảo Luật này, nhiều chuyên gia nêu quan điểm: Việc quản lý tài nguyên nước hiện nay không chỉ giới hạn trong xử lý nước ô nhiễm mà cần khắc phục được các hậu quả do việc khai thác nước quá mức cũng như chú trọng tới bảo vệ và quản lý các nguồn cung cấp nước...

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 6 năm 2023. Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các chuyên gia là vấn đề quản lý tài nguyên nước. Thực tế, trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội to lớn. Tuy nhiên, quá trình này cũng lại làm gia tăng sức ép lên việc quản lý tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng, đất, biển, nguồn nước, cũng như nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm nước và sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Trần Thị Việt Nga -Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội.

PGS.TS Trần Thị Việt Nga -Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội.

Theo PGS.TS Trần Thị Việt Nga -Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa và áp lực gia tăng dân số làm gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng nước ở Việt Nam. Trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của dân cư ở các khu đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khả năng đáp ứng của hệ thống hiện tại. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông tại Việt Nam vào năm 2030.

Việc quản lý tài nguyên nước hiện nay không chỉ giới hạn trong xử lý nước ô nhiễm, mà ngày càng nhận thức được tầm trọng của việc duy trì sự cân bằng của vòng tuần hoàn nước tự nhiên, khắc phục được các hậu quả do việc khai thác nước quá mức (sụt lún đất, giảm mực nước ngầm), kết hợp tận thu được năng lượng và tài nguyên từ quá trình xử lý nước thải và bùn cặn, trong khi vẫn đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Cách tiếp cận toàn diện và tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước, trong đó có thể xem cách tiếp cận được áp dụng ở một số quốc gia phát triển. Cụ thể, tài nguyên nước đô thị được đặt làm trung tâm, giảm thiểu việc sử dụng nước và tăng cường tái sự dụng nước trong công trình nên có thể giảm áp lực lên tài nguyên nước thiên nhiên và giảm thiểu sự xả thải chất ô nhiễm ra ngoài hệ sinh thái đô thị.

Cần chú trọng tới bảo vệ và quản lý các nguồn cung cấp nước

Đóng góp ý kiến vào việc quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh phát triển bền vững, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu quan điểm: Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến đã cho thấy một số bước tiến nhất định so với Luật Tài nguyên nước 2012 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, so với những yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh phát triển bền vững với những mục tiêu phát triển bền vững, những cam kết quốc tế theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đặc biệt so với nội dung của pháp luật hiện hành về tài nguyên nước, dự thảo Luật cần chú trọng tới bảo vệ và quản lý các nguồn cung cấp nước.

Việc quản lý tài nguyên nước hiện nay không chỉ giới hạn trong xử lý nước ô nhiễm mà cần chú trọng tới bảo vệ và quản lý các nguồn cung cấp nước (ảnh minh họa: Internet).

Việc quản lý tài nguyên nước hiện nay không chỉ giới hạn trong xử lý nước ô nhiễm mà cần chú trọng tới bảo vệ và quản lý các nguồn cung cấp nước (ảnh minh họa: Internet).

Việc bảo vệ các nguồn tài nguyên nước cung cấp cho nhu cầu của con người và các hệ sinh thái cần được đảm bảo bởi các biện pháp quản lý phù hợp với từng dạng tồn tại của nguồn nước. Các biện pháp phải gắn với quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng của các chủ thể quản lý, nghĩa vụ của mọi chủ thể khai thác và sử dụng nước. Giải pháp trung tâm của bảo vệ, quản lý tài nguyên nước là cơ chế cấp phép khai thác và cung cấp dịch vụ nước với tiêu chí, điều kiện rõ ràng, minh bạch và cần thiết. Quy hoạch và quản lý lưu vực là những nội dung quan trọng và liên quan chặt chẽ với nhau trong quản lý tài nguyên nước. Quy hoạch tài nguyên nước được Dự thảo Luật Tài nguyên nước đặc biệt chú trọng song những quy định trong Dự thảo ở khía cạnh này chưa định vị được nó trong hệ thống quy hoạch của quốc gia, đặc biệt là xác định những vấn đề đặc trưng cho quản lý tài nguyên nước.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, tính chất của nguồn nước ở lưu vực, sự đa dạng của nguồn nước và sự vận động đan xen giữa các nguồn nước ở đó đòi hỏi cơ chế quản lý đặc thù – Ban quản lý lưu vực. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và cả Dự thảo Luật Tài nguyên nước chưa luật định được thiết chế tổ chức quản lý lưu vực sông. Vì vậy, cần luật hóa nội dung này.

Đánh giá các dự án, chương trình nước là nội dung cần được thiết chế rất cụ thể ngay trong Luật. Đây là nội dung liên quan đến việc cấp phép khai thác, sử dụng nước, cấp phép các dự án khác song có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước. Các tiêu chí đánh giá, trình tự, thủ tục đánh giá phải được luật định để đảm bảo tính minh bạch và hiệu lực thực hiện. Ở nhiều khía cạnh, đánh giá các dự án khai thác, cung cấp dịch vụ nước giống đánh giá tác động môi trường. Chính vì vậy, nội dung này của Luật cần được xây dựng đặt trong sự phân tích khả năng viện dẫn các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về đánh giá tác động môi trường. Dự thảo Luật Tài nguyên nước đang có những sự chồng lấn, sao chép các một số quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường.

GS.TS Lê Hồng Hạnh- Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

GS.TS Lê Hồng Hạnh- Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

GS.TS Lê Hồng Hạnh nhận định: Việc hài hòa hóa lợi ích, sở hữu toàn dân và sở hữu tư nhân trong lĩnh vực tài nguyên nước. Nước ở tuyệt đại đa số các quốc gia đều được coi là sở hữu công hay sở hữu nhà nước vì tính chất sống còn của nó đối với cuộc sống của con người và các hệ sinh thái. Nội dung này phản ánh nhu cầu tiếp cận nguồn nước của mọi chủ thể. Tiếp cận nguồn nước thường vướng tới vấn đề sở hữu. Tuy xung đột trong tiếp cận nguồn nước vì lý do sở hữu không xảy ra trong điều kiện tài nguyên nước được coi là sở hữu toàn dân song các lợi ích kinh tế vẫn diễn ra giữa các chủ thể khác nhau, kể cả giữa nhà nước với doanh nghiệp. Vì thế lợi ích của các chủ thể, đặc biệt là lợi ích liên quan đến thuế, giá cần được luật hóa với sự hài hòa tối ưu có thể.

Ngoài ra, thông tin về tài nguyên nước cần được quy định chi tiết trong Dự thảo phù hợp với nguyên tắc công khai, minh bạch vốn là thuộc tính trong các cấu trúc quản lý hiện đại. Pháp luật hiện hành đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc đảm bảo công khai, minh bạch dữ liệu tài nguyên nước. Vì thế, cần luật định trong Luật Tài nguyên nước mới những kết quả xây dựng thể chế liên quan đến thông tin về tài nguyên nước, lấy ý kiến nhân dân về khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Mặt khác, các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước là nội dung cần được luật hóa cao nhất có thể, không được chuyển giao cho cơ quan hành pháp quy định./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75457