Việc cựu Thủ tướng Anh Cameron trở lại chính trường có ý nghĩa gì với Trung Đông?

Sự trở lại bất ngờ của cựu Thủ tướng Anh David Cameron với chính trường đã làm dấy lên câu hỏi về tác động các chính sách của Vương quốc Anh đối với Trung Đông.

Ông Cameron, vừa được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh, trước đây đã gọi Dải Gaza là “trại tù” và ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel -Palestine, nhưng ông cũng là người ủng hộ trung thành của Israel.

Tân Ngoại trưởng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters

Ủng hộ Israel, nhưng phản đối chiếm đóng

Vào ngày 9/10, khi Israel tuyên bố phong tỏa “toàn bộ” Gaza và tấn công khu vực này để trả đũa cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas, vị chính khách 57 tuổi này đã đưa ra tuyên bố ủng hộ Israel.

“Tôi hoàn toàn đoàn kết với Israel vào thời điểm thử thách này và hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng và Chính phủ Vương quốc Anh về sự ủng hộ kiên định và rõ ràng của họ”, ông viết trên X.

Thủ tướng Rishi Sunak đã sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman hôm 13/11 sau khi bà nổi giận vì cáo buộc cảnh sát quá khoan dung với những người biểu tình ủng hộ Palestine và đưa ra những bình luận được mô tả là "kích động".

Ông Sunak đã thay thế bà Braverman bằng Ngoại trưởng James Cleverly trước khi công bố ông Cameron là người thay thế ông Cleverly.

Ben Whitham, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở London (SOAS), nói rằng mặc dù ông Cameron được cho là sẽ đưa ra “giọng điệu ôn hòa hơn” nhưng vẫn sẽ thiên về ủng hộ Israel.

“Chắc chắn, giống như bất kỳ chính trị gia cấp cao nào của Đảng Bảo thủ, ông ấy nhìn chung sẽ đứng về phía Israel và quyền thực hiện cuộc tấn công ở Gaza”, ông Whitham nhận định.

"Trại tù Gaza"

Trong nhiệm kỳ thủ tướng từ năm 2010 đến năm 2016, ông Cameron đã chỉ trích các khu định cư “bất hợp pháp” của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng và việc phong tỏa Dải Gaza. “Gaza không thể và không được phép tiếp tục là một trại tù”, ông nói trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010.

Tuy nhiên, vào năm 2014, đảng của ông đã từ chối lời kêu gọi của các thành viên liên minh kiểm tra lại giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel nếu giao tranh tiếp tục vào thời điểm đó.

Tờ Haaretz của Israel nhận định ông Cameron là thủ tướng Anh thân Israel nhất từ trước đến nay. “Về nhiều mặt, ông ấy nhìn nhận Trung Đông rất giống với ông Netanyahu”, tờ Haaretz nói. Kể từ tháng trước, ông Netanyahu đã nhiều lần từ chối lệnh ngừng bắn ở Gaza và hứa sẽ quét sạch Hamas trong chiến dịch tấn công hiện đã khiến hơn 11.200 người Palestine đã thiệt mạng.

Trong 50 ngày xung đột kéo dài từ ngày 8/7 đến ngày 26/8/2014, 2.251 người Palestine đã thiệt mạng. Bà Sayeeda Warsi, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh và là người Hồi giáo đầu tiên của Vương quốc Anh phục vụ trong nội các, đã từ chức khi lệnh ngừng bắn sụp đổ.

Theo ông Whitham, mối quan hệ cá nhân của cựu thủ tướng với Ả Rập Xê Út đã đóng một vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm ông. Ông Cameron là một trong số ít các nhà lãnh đạo tới Ả Rập Xê Út vào năm 2019 để tham dự hội nghị thượng đỉnh “Davos trên sa mạc”.

Tham gia quân sự ở Trung Đông

Ông Cameron là người ủng hộ việc sử dụng “sức mạnh quân sự” của Vương quốc Anh để đánh bại các nhóm được coi là “khủng bố” ở Trung Đông. Vào năm 2014, khi ISIS tìm cách thành lập một “vương quốc” ở Iraq và Syria, ông đã cảnh báo rằng phương Tây sẽ phải đối mặt với việc có một nhà nước “cực đoan” ở biên giới Địa Trung Hải nếu tổ chức này thành công trong các mục tiêu của mình.

Chính phủ của ông đã đồng ý mở rộng các cuộc không kích vào Syria từ Iraq, nơi ông đã bỏ phiếu ủng hộ một cuộc xâm lược vào tháng 3/2003, dẫn đến một trong những tranh chấp đáng nhớ nhất trong những năm ông làm chính trị.

Kể từ khi ông từ chức vào năm 2016 sau nỗ lực không thành công để Vương quốc Anh ở lại Liên minh châu Âu, chính sách Trung Đông của ông Cameron đã được xem xét lại và nhận thấy có tác động lâu dài đối với khu vực.

Năm 2011, khi Vương quốc Anh và Pháp can thiệp vào Libya, chính quyền của ông Cameron cho biết chiến dịch này nhằm mục đích bảo vệ dân thường trước nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi. Nhưng Ủy ban Đối ngoại sau đó đã phân tích quyết định này và nhận thấy nó đã dựa vào thông tin tình báo thiếu sót và đẩy nhanh sự sụp đổ kinh tế và chính trị của quốc gia Bắc Phi này.

“Tôi không muốn suy đoán liệu ông ấy có tiếp tục ủng hộ Israel và có khả năng coi Hamas là một phần mở rộng của ISIS hay không. Điều đó sẽ phụ thuộc vào đường lối mà ông Sunak thực hiện và ông Cameron sẽ phải tuân theo đường lối đó”, ông Whitham nhận định.

Quốc Thiên (theo AJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viec-cuu-thu-tuong-anh-cameron-tro-lai-chinh-truong-co-y-nghia-gi-voi-trung-dong-post272344.html