Vidifi đề nghị công an điều tra gây rối: Nhiều băn khoăn

Người dân và LS bày tỏ băn khoăn trước việc Vidifi đề nghị Bộ Công an và các tỉnh điều tra làm rõ hành vi gây rối tại QL 5.

Không phải dự án để nhà đầu tư kiếm lợi

Chiều 6/9, nhiều tờ báo đưa tin, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi), đơn vị quản lý hai trạm thu phí QL 5, vừa gửi văn bản đề nghị Tổng cục An ninh (Bộ Công an) và Công an các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương vào cuộc đảm bảo trật tự an ninh tại trạm thu phí trên QL 5.

Cụ thể, Vidifi đề nghị các cơ quan trên điều tra làm rõ hành vi của cá nhân, tập thể và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Người dân phản ứng trước việc thu phí tại trạm thu phí QL 5

Theo Vidifi, hiện nay với sự lan truyền rất nhanh thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin bình luận mang tính tiêu cực vào thời điểm dư luận xã hội đang quan tâm và có nhiều ý kiến về các dự án BOT giao thông khác nên các đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình này để cấu kết kêu gọi kích động gây mất trật tự và an ninh tại khu vực trạm thu phí.

Việc tập hợp các đoàn xe gây mất trật tự nêu trên chủ yếu là do các đối tượng thông qua các diễn đàn trên facebook để gây rối tại trạm thu phí số 1 – QL 5.

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vidifi khẳng định, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không phải là dự án BOT thông thường, đó là một dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, hợp ý Đảng, lòng dân, với sự đồng thuận của Chính phủ, địa phương và hơn 43.000 hộ dân đã dành đất cho dự án.

“Đây không phải là dự án để các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận hay lợi ích nhóm”, ông Chiến khẳng định với tờ Tiền phong.

Theo lời ông Chiến, việc thu phí trên QL 5, bản chất là phần vốn góp của nhà nước vào dự án. Vì nhà nước không đối ứng bằng khoản ngân sách tức thì cho dự án nên có thể hiểu, Vidifi chỉ thu hộ nhà nước.

Ông Chiến cũng đề cập đến việc nhiều ý kiến đề nghị sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa đồng thời xóa bỏ 2 trạm thu phí trên QL 5 cũ.

Ông Chiến nêu ra 2 vấn đề cần phải xem xét.

Thứ nhất, thời điểm Vidifi được Chính phủ quyết định giao thu phí từ năm 2007, thực tế Bộ GTVT giao Vidifi thu phí tại 2 trạm trên QL 5 từ ngày 20/01/2009, trước thời điểm Quỹ bảo trì đường bộ ra đời 3 năm.

Thứ hai, sau khi có Quỹ bảo trì đường bộ vào năm 2012, Vidifi rất muốn nhà nước góp vốn từ ngân sách nhưng không thể.

“Việc thu phí trên QL 5 vẫn cần thực hiện để giải quyết bài toán ngân sách, phương án tài chính cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng”, ông Chiến nhấn mạnh.

Hỏi ngược Vidifi

Việc Vidifi gửi văn bản đến cơ quan công an đề nghị công an điều tra các cá nhân, tập thể có hành vi gây rối tại trạm thu phí BOT số 1 trên quốc lộ 5 đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Anh Lê Hoàng Quân (1 lái xe ở Hưng Yên) cho biết không đồng tình với cách giải quyết của chủ đầu tư trạm thu phí Quốc lộ 5.

Theo anh Quân, không phải ngẫu nhiên người dân phản ứng với việc thu phí tại trạm QL 5 và đồng loạt trả tiền lẻ. Nguyên nhân chủ yếu theo anh Quân là do việc tăng mức phí quá cao, lên gấp 4 lần so với thời điểm trước khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào hoạt động.

“Tôi không hiểu lý do vì sao mà Vidifi phải mời công an vào để điều tra việc này. Lái xe khi trả tiền lẻ thái độ đều rất lịch sự và chấp hành đúng yêu cầu của nhân viên trạm thu phí”, anh Quân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam khẳng định phản ứng của người dân đối với trạm thu phí QL 5 là hoàn toàn chính đáng, hợp lý.

“Khi xây dựng 2 đường, chúng ta phải để dân lựa chọn. Họ có quyền trả phí để đi đường cao tốc, tuy nhiên nếu thấy đắt có thể đi đường QL 5 cũ. Không thể tăng phí QL 5 cũ để ép dân đi cao tốc được”, ông Thanh nhấn mạnh.

Trao đổi với Đất Việt về tình trạng lái xe trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí, LS Phạm Hoài Nam (đoàn LS TP.HCM) khẳng định việc này hoàn đúng luật.

“Dưới góc độ phát luật, luật sư thấy rằng việc trả tiền lẻ ở trạm thu phí thì không vi phạm pháp luật. Vì đây là các đồng tiền được lưu thông theo quy định của ngân hàng nhà nước và quy định pháp luật.

Nếu với những tài xế có hành vi cố tình gây khó khăn khi đưa tiền và thanh toán có chủ đích thì cơ quan nhà nước sẽ mời lên làm việc cụ thể”, LS Nam nhấn mạnh.

Công an Cai Lậy mời lái xe trả tiền lẻ lên hỏi tâm tư

Mấy ngày qua, một số tài xế trả tiền lẻ tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) nhận được giấy mời lên làm việc của Công an huyện Cai Lậy.

Theo đại diện Công an huyện Cai Lậy, lực lượng chức năng mời lái xe lên để trao đổi tâm tư, nguyện vọng xung quanh trạm BOT Cai Lậy chứ hoàn toàn không có chuyện xử lý việc trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định với báo chí, việc tài xế đưa tiền lẻ qua trạm thu phí BOT Cai Lậy quy định pháp luật không cấm.

Trong khi đó, một tài xế xác nhận với báo chí, hoàn toàn không có việc công an hỏi chuyện đưa tiền lẻ qua trạm BOT Cai Lậy khiến giao thông ùn tắc, ảnh hưởng an ninh trật tự. Công an có nhắc nhở tài xế việc tham gia giao thông cũng như qua trạm thu phí BOT Cai Lậy tránh tình trạng gây rối trật tự, vi phạm giao thông.

Hà Đông (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vidifi-de-nghi-cong-an-dieu-tra-gay-roi-nhieu-ban-khoan-3342574/