Vị vua nào của Việt Nam phát hành đồng tiền giấy đầu tiên nhưng lại không được lòng dân chúng?

Theo quy định của Hồ Quý Ly, những ai làm giả tiền giấy hoặc cố tình lưu trữ, giao dịch tiền kim loại sẽ bị tịch thu tài sản và xử tội chết.

Hồ Quý Ly (1336-1401) sinh năm Bính Tý, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa). Tổ tiên của ông là họ Hồ ở Chiết Giang, Trung Quốc sang sinh sống ở vùng này. Đời thứ 12 ông Hồ Liêm được ông Lê Huấn (làm quan chức Tuyên úy) giúp đỡ nhận làm con nuôi nên đổi thành họ Lê. Lê Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm, học hành đỗ đạt, làm quan dưới thời Trần.

Ảnh minh họa.

Hồ Quý Ly đã có ý tưởng phát hành tiền giấy ngay từ khi còn làm quan dưới triều Trần. Sau khi lật đổ nhà Trần và lập ra nhà Hồ, ông đổi tên nước thành Đại Ngu và chính thức cho sản xuất tiền giấy.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào mùa hạ, tháng 4 năm Bính Tý (1396), triều đình bắt đầu sai người đổi tiền giấy lấy tiền kim loại trong nhân dân, cứ 1 quan tiền thông thường sẽ đổi được 1 quan 2 tiền giấy.

Đồng tiền giấy Thông Bảo Hội Sao được triều đại nhà Hồ phát hành nhằm thay thế cho tiền đồng. Theo 1 số tài liệu ghi lại, Thông Bảo Hội Sao có tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, từ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Thậm chí, vua còn xây dựng các điều luật để phạt những người không tiêu tiền giấy.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sỹ Liên (NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1993) chép: “Hồ Quý Ly phát hành các tờ tiền giấy Thông Bảo hội sao vào năm Bính Tý (1396) để thay thế tiền đồng, tức là từ khi ông còn chưa lên ngôi vua. Thể thức phát hành như sau: Tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ nào làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả”.

Viêc thu hồi tiền bằng kim loại cũng đưụoc Hồ Quý Ly đẩy mạnh nhằm mục đích đúc súng và các thiết bị quân sự khác. Việc ban hành tiền giấy và có nhiều luật lệ hà khác trong việc sử dụng tiền đồng đã khiến dân chúng bất bình.

Trong cuốn “Tiền cổ Việt Nam” của Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky (NXB Giáo dục năm 2009, trang 63) có ghi nhận định của sử gia Phan Huy Chú về tiền giấy của Hồ Quý Ly: “Giấy sao chỉ là miếng giấy vuông chừng 1 thước, chỉ đáng giá năm ba đồng tiền, mà đem đổi lấy những vật giá năm sáu trăm đồng của người ta, đã không hợp lý, lại làm cho người ta cất giữ, thì dễ rách nát. Kẻ làm giả mạo thì không thể bắt hết; như vậy không thể làm cho vật giá trung bình mà dân thông dụng được. Quý Ly không xét đến lợi hại, chỉ mộ cái hư danh là sáng tác, làm ra tiền giấy, rồi cũng úng tắc ngay, không lưu thông được, chỉ làm cho dân xôn xao, không phải là chế độ để làm cho nước được bình trị”.

Viêc ban hành tiền giấy của nhà Hồ xem như thất bại và cùng với đó là sự sụp đổ nhanh chóng của nhà Hồ, tiền giấy bị chấm dứt lưu hành.

- Video: Ngắm sự kỳ vĩ và lộng lấy của Tử Cấm Thành từ trên cao. Nguồn: Sky Eye.

Theo SHTT&ST

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-vua-nao-cua-viet-nam-phat-hanh-dong-tien-giay-dau-tien-nhung-lai-khong-duoc-long-dan-chung/20240124081418170