Vị thế đô thị Biên Hòa trong vùng Đông Nam bộ

Trong Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.Biên Hòa nằm trong vùng đô thị trung tâm của vùng, đồng thời, được định hướng trở thành đô thị giữ chức năng đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm tiếp vận phía Đông của vùng Đông Nam bộ.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị dịch vụ thương mại hiện đại

Cùng với đó, đô thị Biên Hòa sẽ là trung tâm cấp vùng về dịch vụ đa lĩnh vực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thương mại - tài chính, du lịch, thể dục thể thao.

Phát huy thế mạnh kết nối vùng

Hệ thống đô thị vùng Đông Nam bộ được cấu trúc với vùng đô thị trung tâm lấy khu vực nội đô TP.HCM là đô thị lõi kết nối nhanh các đô thị phụ cận gồm Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Dĩ An và Thuận An thông qua tuyến đường vành đai 3 - TP.HCM và các tuyến giao thông xuyên tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 13.

Đối với đô thị Biên Hòa, trong đồ án Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 đã xác định, TP.Biên Hòa sẽ là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 vùng TP.HCM và cảng Đồng Nai. Lợi thế kết nối giao thông của đô thị Biên Hòa thời gian tới sẽ được gia tăng khi cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, bởi Biên Hòa có vị trí rất gần với sân bay Long Thành.

Ngày 17-3-2023, Phó thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố với 30 đơn vị hành chính, bao gồm 29 phường và 1 xã.

Bên cạnh sân bay Long Thành, với việc sân bay Biên Hòa đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch khai thác lưỡng dụng, đô thị Biên Hòa sẽ đứng trước thời cơ tạo dựng vị thế đầu mối kết nối giao thông vùng với 2 sân bay. Cùng với đường bộ và đường hàng không, đô thị Biên Hòa sẽ được hỗ trợ chức năng kết nối giao thông với hệ thống đường sắt đô thị và các tuyến đường thủy.

Hiện nay, Sở GT-VT TP.HCM đã đề xuất phương án kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Trong đó, đối với Đồng Nai, tuyến metro số 1 được đề xuất kéo dài đến khu vực H.Trảng Bom.

Đối với tuyến sông Đồng Nai, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển khu vực ven sông, phát huy thế mạnh giao thông đường thủy của tuyến sông này. Trong tương lai, tuyến đường thủy sông Đồng Nai sẽ đóng vai trò chủ đạo trong kết nối vùng Đông Nam bộ, trong đó, đô thị Biên Hòa là một trong những “điểm nút” quan trọng.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho rằng, một trong những thế mạnh của Đồng Nai nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng là có đủ 5 loại hình giao thông. “Đây là yếu tố quan trọng để đô thị Biên Hòa thực hiện chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị” - ông Phan Đăng Sơn chia sẻ quan điểm.

Hình hài mới cho đô thị Biên Hòa

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 là sẽ chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”, hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Đô thị Biên Hòa sẽ thực hiện chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”, hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững

“Sở hữu” 6 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, lâu nay, đô thị Biên Hòa vẫn được đánh giá là một đô thị công nghiệp. Việc phát triển các KCN đã mang lại những bước tiến lớn cho đô thị Biên Hòa trên khía cạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp cũng mang lại những hệ lụy, trong đó việc gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị Biên Hòa, từ đó dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị Biên Hòa còn nhiều hạn chế.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lý Thành Phương cho rằng, việc phát triển công nghiệp không phải địa phương nào muốn phát triển cũng được. Biên Hòa có nhiều lợi thế và lĩnh vực công nghiệp đã có sự phát triển nhanh. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị tại Biên Hòa, việc đầu tư cho nhu cầu nhà ở cũng như các công trình phúc lợi chưa tương xứng. Chính vì vậy, việc định hướng chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị là phù hợp.

Định hướng chuyển đổi mô hình cấu trúc đô thị cũng là bước đi nhằm cụ thể hóa chức năng của đô thị Biên Hòa được định hướng trong Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đô thị Biên Hòa sẽ là trung tâm cấp vùng về dịch vụ đa lĩnh vực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thương mại - tài chính, du lịch, thể dục thể thao.

Chính vì vậy, theo ông Phan Đăng Sơn, việc định hướng phát triển đô thị Biên Hòa từ đô thị công nghiệp sang đô thị dịch vụ và công nghiệp, phát triển thông minh là rất là đúng.

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.Biên Hòa lần thứ 15, khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 vào ngày 18-12 vừa qua, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho hay, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Biên Hòa thời gian tới là đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, quy hoạch phân khu, đảm bảo mở rộng không gian và hướng tới một đô thị thông minh thực chất, bền vững.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/vi-the-do-thi-bien-hoa-trong-vung-dong-nam-bo-d852438/