Vị thế của Venice trong hội họa châu Âu

Khoảng 20 bức tranh được tuyển chọn từ các bộ sưu tập liên quan tới Venice thuộc Viện Nghệ thuật Courtauld của Vương quốc Anh vừa được giới thiệu tới công chúng trong tuần này đã cho thấy ảnh hưởng rất lớn của thành phố biểu trưng nước Ý với các danh họa quan trọng nhất ở châu Âu.Thời của phong cách Roccoco

Bức vẽ nhà thờ Piazza San Giacomo di Rialto ở Venice của họa sĩ Giovanni Antonio Canaletto (1697 - 1768). Ảnh: Courtauld.ac.uk

Theo trang Images of Venice, vào thế kỷ 18I, các họa sĩ ở Venice trở nên nổi tiếng khắp châu Âu. Tài năng hội họa điêu luyện và đạt tới đỉnh cao của họ thu hút đông đảo những người mê hội họa cũng như giới buôn bán tranh từ khắp nơi trên thế giới tìm đến “thành phố của những kênh đào”. Sẽ không quá khi nói rằng, tác phẩm của họ đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu nổi bật của Venice vào khoảng giữa thế kỷ 18.

Trung tâm văn hóa

Triển lãm có tên “La Serenissima: Drawing in 18th Century Venice” (La Serenissima: Tranh vẽ ở Venice thế kỷ 18) với khoảng 20 bức tranh trên giấy đã được vẽ tại thành phố này của các họa sĩ mà tạp chí Apollo-Magazine gọi là “quan trọng nhất của châu Âu” sẽ diễn ra từ 14-10-2023 đến 11-2-2024.

Sự kiện trưng bày này là sự nhắc nhớ về một Venice tràn đầy năng lượng và sáng tạo ở thế kỷ 18 khi thành phố của nước Ý vươn mình trở thành một trong những thủ đô văn hóa lớn nhất của châu Âu lúc ấy. Venice là thành phố luôn giữ vị trí nổi bật trên bản đồ các danh lam thắng cảnh được đi vào nghệ thuật nhiều nhất của Ý.

Vào giai đoạn đầu thế kỷ 18, Venice giống như “thỏi nam châm” thu hút du khách từ khắp nơi trên toàn châu lục bởi sự phong phú, sinh động về kiến trúc, lịch sử cũng như bầu không khí của một đô thị mang tính quốc tế ở đây. Có một thực tế là nhiều họa sĩ có tranh được chọn trưng bày ở sự kiện triển lãm nói trên đã sáng tác những tác phẩm của họ theo đơn đặt hàng của một nhà sưu tầm quốc tế. Đó là một người luôn háo hức tìm mua và sưu tập những bức họa ghi lại hình ảnh của Venice, của các cư dân nơi đây và cả những truyền thống rất sinh động, hấp dẫn ở “thành phố nổi”.

Những địa danh nổi tiếng như Quảng trường St. Mark và Kênh Grand đã là bối cảnh cho các bức vẽ nổi tiếng sau này của danh họa Giovanni Antonio Canal (thường được biết đến với nghệ danh Canaletto). Để rồi sau đó đi vào tranh ông là những đường phố sôi động, những dòng kênh đào vô cùng thân thuộc. Những bức vẽ của Canaletto tạo được ấn tượng lớn tới mức nhắc đến ông là người ta nghĩ ngay tới một họa sĩ chuyên vẽ tranh phong cảnh của Venice.

Theo từ điển bách khoa Britannica, khả năng biểu đạt bậc thầy của danh họa người Venice này đã được khẳng định trong các bức vẽ vô cùng chi tiết về Venice, London và về những ngôi nhà ở nông thôn nước Anh. Và ông cũng là người có ảnh hưởng rất lớn tới các thế hệ họa sĩ vẽ phong cảnh về sau.

Đa dạng các phong cách

Khi đặt cạnh nhau tác phẩm của các các họa sĩ cùng thời, và thú vị hơn là cùng một không gian chủ đề sáng tác - ở đây là cảnh sắc, con người Venice - người xem sẽ càng có cơ hội cảm nhận rõ hơn về sự độc đáo trong phong cách của từng người, theo đó làm nên bức tranh đa sắc của hội họa Ý ở thế kỷ 18 nói riêng và của châu Âu nói chung.

Chẳng hạn, khi nhìn vào các bậc thầy hội họa của Venice ở thế kỷ 18, giới nghiên cứu cũng như những người mê tranh còn nhận thấy một lý do khác để khiến giai đoạn này trở nên đặc biệt. Đó là những bức tranh biếm họa của Giovanni Domenico Tiepolo, hay còn được gọi là Giandomenico Tiepolo (sinh năm 1727, mất năm 1804 tại Venice).

Với những bức tranh của Giandomenico Tiepolo được nhà giám tuyển Marco Mansi lựa chọn trưng bày lần này, người ta có dịp ngẫm ngợi góc nhìn của danh họa sống ở thế kỷ 18 về cuộc sống của một đại đô thị Venice thời kỳ đầu với dân cư đông đúc và rất nhiều nhân vật thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau đã được ông đưa vào tranh.

Trong khi đó, với bức Feast of Ascension Day của Giacomo Guardi, người xem lại được nhìn thấy một Venice mênh mang, huy hoàng và trang nghiêm qua lăng kính của người họa sĩ. Bởi thế, không phải tự nhiên mà Venice còn có một tên gọi khác rất trìu mến, yêu thương nữa là La Serenissima - “nơi yên bình nhất”.

Vào thế kỷ 18 ở Venice, người ta thấy có sự chuyển dịch từ phong cách Baroque sang phong cách Roccoco trong nghệ thuật. Phong cách Rococo được cho là những tinh hoa đúc kết từ giai đoạn nghệ thuật Baroque (Roccoco còn được gọi là phong cách “Late Baroque”). Nó kế thừa vẻ đẹp xa hoa, lộng lẫy của thời kỳ trước nhưng lại cũng truyền tải luồng một cảm xúc tươi vui đặc trưng, có sự kết hợp của vẻ đẹp thanh tao, tinh tế, cầu kỳ.

Cùng với Canaletto, những tên tuổi lớn khác như Giambattista Pittoni, Giovan Battista Tiepolo, Giovan Battista Piazzetta, Giuseppe Maria Crespi và Francesco Guardi đã làm nên một nhóm các họa sĩ bậc thầy của Venice thời trung cận đại.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202310/vi-the-cua-venice-trong-hoi-hoa-chau-au-3958601/