Vì sức khỏe cộng đồng

Tuyên Quang là 1 trong 21 tỉnh khó khăn thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được thụ hưởng Chương trình 'Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả' vay vốn Ngân hàng Thế giới. Thực hiện các mục tiêu của chương trình trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, hỗ trợ xây nhà vệ sinh... Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân.

Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn tuyên truyền người dân bản Ngòi Khù, xã Đạo Viện (Yên Sơn)về hiệu quả của việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá được chú trọng. Các đơn vị chuyên môn đã xây dựng bộ công cụ truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; đào tạo chuyển giao bộ công cụ cho cán bộ địa phương thực hiện; hỗ trợ địa phương phát triển thị trường dịch vụ vệ sinh, nhằm đảm bảo triển khai các loại nhà tiêu hợp vệ sinh, phù hợp với mọi đối tượng. Đồng thời, tiến hành các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong trường học, trạm y tế và cộng đồng dân cư…

Mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 45 xã đạt “Vệ sinh toàn xã”; 54 công trình nước và nhà tiêu trạm y tế xã được cải tạo, xây mới. Với nhiệm vụ được giao, năm 2019, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện các hoạt động can thiệp hỗ trợ 24 xã trong tỉnh đạt “Vệ sinh toàn xã” (14 xã chuyển tiếp năm 2018 sang). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 63% hộ dân trong tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng 6% so với năm 2018.

Chị Nguyễn Thị Giang, Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường, y tế trường học, bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hành vi, ý thức sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, các tuyến y tế đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo truyền thông cho cán bộ nòng cốt tại các địa phương. Cụ thể như: Tổ chức tuyên truyền thay đổi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho các cán bộ nòng cốt tuyến huyện, xã; triển khai hội nghị tuyến tỉnh, tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ đoàn thanh niên, trung tâm y tế tuyến huyện, lãnh đạo các xã thuộc chương trình. Trong đó, nhấn mạnh cách truyền thông vệ sinh môi trường, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các hộ gia đình nông thôn… Sau khi được phổ biến, tham gia tập huấn tuyến tỉnh, các huyện, xã tiếp tục triển khai truyền thông tại cơ sở, đến từng thôn, bản, từng hộ dân.

Đã có nhà ở kiên cố, nhưng năm nay gia đình chị Lý Thị Xếp, thôn Khau Làng, xã Yên Thuận (Hàm Yên) mới xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Chị Xếp chia sẻ, trước đây, do không ý thức được nguy cơ tiềm ẩn về bệnh dịch và thói quen nên chị luôn suy nghĩ rằng “Bao năm bao đời nay đều đi vệ sinh ở góc vườn, bờ ruộng cũng đâu ảnh hưởng gì đến ai thì sao phải xây nhà tiêu, tiền đó để dùng cho việc khác”. Nhưng nay đã khác, nhờ có cán bộ xã, huyện xuống tư vấn, nhắc nhở nên chị đã hiểu việc “thiếu cái nhà tiêu” sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính gia đình mình. Vì vậy, gia đình chị đã xây nhà tiêu hợp vệ sinh để giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Mặc dù các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, song tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh không đều ở các địa phương. Trong thời gian tới, để nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh rất cần sự góp sức truyền thông của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và sự thay đổi hành vi, thói quen của mỗi người dân.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/vi-suc-khoe-cong-dong-126653.html