Vì sao xử lý tiêu cực, tham nhũng, kê khai tài sản phải để dân biết?

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trước đây một số vấn đề liên quan đến cán bộ không công khai nên người dân không biết để giám sát. Nếu chỉ kêu gọi chung chung nhưng không cung cấp thông tin thì người dân không có cơ sở để giám sát. Quyết định mới của Ban Bí thư đã lấp khoảng trống này.

Thay mặt Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Quyết định 99. (Ảnh: Đàm Duy)

Mới đây, ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thành viên Thường trực Ban Bí thư - đã ký Quyết định số 99-QĐ/TW (viết tắt Quyết định 99) ban hành Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc T.Ư tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Đáng chú ý, trong hướng dẫn khung có quy định nhiều nội dung phải công khai để nhân dân biết giám sát.

Theo đó, công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm.

Công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

Công khai bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.

Đánh giá về một số nội dung của Quyết định 99, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Đó là từng bước để công khai, minh bạch những công việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý để người dân giám sát.

“Đây là vấn đề rất cần thiết, bởi vì có công khai, minh bạch thì người dân có cơ sở để giám sát, còn như chỉ kêu gọi nhân dân giám sát nhưng họ không biết gì về cán bộ lãnh đạo, quản lý thì khó giám sát. Người cán bộ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật hình sự bị xử lý ở mức độ nào cũng phải công khai cho người dân biết. Đối với tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đối tượng phải kê khai theo quy định của Nhà nước thì cũng phải được công khai cho người dân biết để theo dõi tính trung thực, tính chính xác của việc kê khai...”, PGS Phúc nói.

Vẫn theo PGS Phúc, Quyết định 99 của Ban Bí thư cũng để phát huy dân chủ trong Đảng gắn dân chủ ngoài xã hội. “Việc người dân tham gia giám sát đó cũng là quá trình tham gia vào xây dựng Đảng, giúp cho quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”, PGS Phúc phân tích.

Theo PGS Phúc, trước đây vấn đề phát huy vai trò của nhân dân được nêu khá chung chung, giờ đã được cụ thể hóa. Ông so sánh, việc này cũng giống như quy định mới đây của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đều được cụ thể hóa, công khai để người dân giám sát.

“Làm sao phải mở rộng dân chủ trong Đảng, dân chủ ngoài xã hội, làm thế nào để người dân quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Làm sao để người dân coi việc của Đảng cũng như việc của dân, làm tốt vấn đó thì sẽ củng cố niềm tin của người dân với Đảng. Quyết định 99 của Ban Bí thư cũng là bước đi hướng tới mục tiêu trên”, PGS Phúc nhìn nhận.

Những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng

Nội dung công khai

- Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI, khoá XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định để thể chế hoá, cụ thể hoá nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.

- Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

- Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân; quy trình, thủ tục giải quyết công việc; danh tính, chức vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân.

- Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.

Hình thức công khai

Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.

Trích Hướng dẫn khung ban hành cùng Quyết định 99 ngày 3.10 của Ban Bí thư

Ngọc Lương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-xu-ly-tieu-cuc-tham-nhung-ke-khai-tai-san-phai-de-dan-biet-813965.html