Vì sao Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu?

Việc tụt hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu là một kết quả khá phù hợp với tình trạng nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, nơi phần lớn các sản phẩm công nghệ cao và có tính cạnh tranh lớn nhất đang thuộc về các doanh nghiệp FDI vốn đang có dấu hiệu chững lại trong thời gian qua.

Cuối tháng 9 vừa qua, diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố bản báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017. Theo đó, Việt Nam đã tụt xuống vị trí 60/138 nước, giảm 4 bậc so với năm ngoái (theo CafeF). Đây có thể xem như một kết quả không mấy tích cực đối với các nỗ lực cải cách nền kinh tế trong thời gian vừa qua của Chính phủ, mà một trong những mục tiêu chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Việc tụt hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu không có nghĩa là năng lực cạnh tranh của Việt Nam giảm sút so với năm ngoái, mà là mức tăng trong năm 2016 so với mức bình quân trên thế giới đã thấp hơn. Trên thực tế, đó là một kết quả khá phù hợp với tình trạng nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, nơi phần lớn các sản phẩm công nghệ cao và có tính cạnh tranh cao nhất đang thuộc về các doanh nghiệp FDI. Khi khu vực FDI chững lại, thì việc Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Đối chiếu vị trí của Việt Nam trong bản báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 của WEF với bản báo cáo giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới” vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và công bố hôm 4.10, chúng ta có thể hình dung ra phần nào bức tranh KHCN của Việt Nam những năm vừa qua, và vì sao tốc độ đổi mới và cạnh tranh của Việt Nam lại thua sút so với thế giới. Theo bản báo cáo, gần 10.000 tỉ đồng đã được ngân sách chi ra trong 5 năm (giai đoạn 2011-2015) để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, chưa tính đến các nguồn chi khác. Tuy nhiên, phần lớn giá trị sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC trong nền kinh tế Việt Nam lại do các doanh nghiệp FDI tạo ra (theo The Saigon Times).

Cụ thể, theo kết quả thống kê, giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC đang có mức đóng góp ngày càng lớn vào GDP trong những năm vừa qua. Trong giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng đóng góp vào GDP của các sản phẩm CNC theo từng năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7% (theo The Saigon Times). Có thể thấy đây là một tốc độ tăng trưởng rất nhanh, và nếu cứ duy trì được tốc độ này thì việc đạt mục tiêu đến năm 2020 các sản phẩm CNC đóng góp vào GDP đạt 45% là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

Nhưng sự mâu thuẫn và nghịch lý lớn lao ở đây là khoản tiền gần 10.000 tỉ đồng (gần 500 triệu USD) chưa tính các nguồn chi khác đầu tư vào các dự án phát triển khoa học công nghệ cấp quốc gia đã đạt được những kết quả gì, khi mà theo thống kê của Thường vụ Quốc hội phần lớn giá trị sản phẩm CNC và sản phẩm ứng dụng CNC trong nền kinh tế lại đều do các doanh nghiệp FDI tạo ra? Với khoản đầu tư lớn đó, về lý thuyết thì mức độ gia tăng hàm lượng giá trị các sản phẩm CNC của những doanh nghiệp trong nước phải tăng lên đáng kể mới đúng, chứ không phải là để một mình khu vực FDI độc diễn như hiện nay. Ấy vậy mà, theo kết quả tính toán sơ bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì trong giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt tới 10,68% và đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm ở giai đoạn 2011-2015.

Bản báo cáo của Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, phần lớn khoản tiền gần 10.000 tỉ đồng trên được chi cho các nghiên cứu và báo cáo khoa học với mục đích công bố quốc tế. Cụ thể, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là hơn 11.700 bài, công trình; tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010; tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm. Đặc biệt, toán học và vật lý, hóa học tiếp tục là những lĩnh vực tăng mạnh nhất, chiếm tới 40% tổng số báo cáo công bố quốc tế trong 5 năm qua; đặc biệt số lượng báo cáo công bố quốc tế của toán học Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á (theo The Saigon Times).

Đến đây, chúng ta có thể hiểu phần nào lý do vì sao Việt Nam lại quá thiếu vắng các sản phẩm CNC và ứng dụng CNC đến vậy, dù đã chi cả chục ngàn tỉ đồng cho việc nghiên cứu. Đó là vì hầu hết các khoản chi cho nghiên cứu khoa học công nghệ đều có tính ứng dụng trong nền kinh tế quá thấp, chủ yếu mang tính hàn lâm chỉ có tác dụng công bố quốc tế là chính. Thay vì tập trung nghiên cứu các công nghệ có thể ứng dụng ngay lập tức vào nền kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển nhằm sản xuất ra các sản phẩm CNC, chúng ta lại tiêu tốn cả chục ngàn tỉ đồng vào những nghiên cứu ít có tính ứng dụng mà không đạt được những lợi ích cụ thể ngoài một số danh tiếng khá hão huyền. Con số gần 10.000 tỉ đồng chi cho các khoản nghiên cứu khoa học công nghệ trong giai đoạn 2011-2015 vừa qua đó nếu so sánh thì lớn hơn tất cả các khoản chi hỗ trợ từ phía Nhà nước và Chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khoảng thời gian 5 năm đó. Trong khi các doanh nghiệp thiếu vốn và khát vốn hơn bao giờ hết, chúng ta lại ném qua cửa sổ cả chục ngàn tỉ mà chẳng để thu lại được gì đáng kể.

Và kết quả của việc phân bổ ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ lệch hướng này là gì? Theo báo cáo của Thường vụ Quốc hội, trừ một số ngành có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như thông tin - viễn thông, tài chính - ngân hàng, dầu khí, hàng không… thì phần lớn doanh nghiệp trên cả nước vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Điều này lý giải vì sao Việt Nam lại tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu trong năm 2016. Phần lớn các sản phẩm có tính cạnh tranh nhất, chủ yếu là các sản phẩm CNC và ứng dụng CNC của Việt Nam hiện nay đều do các doanh nghiệp FDI sản xuất, trong khi các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất có tính cạnh tranh kém do công nghệ lạc hậu.

Khi tốc độ đổi mới công nghệ của khu vực FDI chững lại và không như kỳ vọng, thì tất yếu tính cạnh tranh của kinh tế Việt Nam sẽ suy giảm. Muốn cải thiện thứ bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh, chẳng còn cách nào khác ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ. Và để làm được điều đó, thì cần dẹp bỏ các khoản chi cho các công trình nghiên cứu ít có tính ứng dụng trong nền kinh tế như vẫn làm trong thời gian vừa qua trước đã.

Nhàn Đàm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/vi-sao-viet-nam-tut-hang-nang-luc-canh-tranh-toan-cau-44325.html