Vì sao VĐV trượt băng xoay nhiều vòng liên tục vẫn không bị chóng mặt?

Theo các chuyên gia y tế, vận động viên trượt băng nghệ thuật đã rèn luyện những bài tập đặc biệt để họ không bị chóng mặt dù xoay nhiều vòng trên không trung.

Với những vận động viên (VĐV) trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp, kỹ năng xoay trên không trung là không thể thiếu. Nhiều người có thể xoay tới 6 vòng mỗi giây, khiến khán giả trầm trồ. Không riêng bộ môn trượt băng, múa ballet có động tác fouette - xoay liên tục 32 vòng.

Câu hỏi đặt ra là khi thực hiện những động tác này, các VĐV có bị chóng mặt không? Theo tiết lộ từ một số VĐV, họ không gặp phải tình trạng này vì đã được dạy cách điều hòa cơ thể, bộ não, ngăn cảm giác chóng mặt.

VĐV Mirai Nagasu, người đã giành được huy chương đồng tại Thế vận hội Mùa đông 2018 (diễn ra ở Hàn Quốc), chị cảm nhận được sự thay đổi thăng bằng khi thực hiện các cú xoay trên không. Tuy nhiên, Mirai Nagasu đã học cách tiết chế nó trong nhiều năm.

Trong khi đó GS Kathleen Cullen, Đại học Johns Hopkins, đưa ra câu trả lời về góc độ khoa học, dựa trên những nghiên cứu về hệ thống tiền đình. Đây là cơ quan điều khiển cảm giác thăng bằng, chuyển động của chúng ta. Kỹ năng xoay nhiều vòng không gây chóng mặt được hoàn thiện theo thời gian. Não bộ của họ học được cách xử lý thông tin khi cơ thể mất thăng bằng.

 Nữ VĐV Alina Zagitova thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông năm 2018 tại Gangneung Ice Arena, Gangneung, Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Nữ VĐV Alina Zagitova thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông năm 2018 tại Gangneung Ice Arena, Gangneung, Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Theo CNN, khi bạn xoay xung quanh, các kênh bán nguyệt được kích hoạt. Chúng bao gồm ba ống được bố trí trên ba mặt phẳng vuông góc, với mỗi ống lặp lại ở các góc khác nhau. Các ống dẫn nằm ở các góc vuông với nhau; tương tự như cách ba cạnh của một hộp đến với nhau ở một góc. Các kênh bán nguyệt được lấp đầy với một chất lỏng gọi là nội dịch (endolymph) nằm bên trong tai của bạn.

Khi bạn xoay, những nội dịch sẽ chuyển động và từ đó kích thích tế bào thần kinh cảm giác, khiến chúng mang thông điệp tới não để biết rằng đầu bạn đang xoay về hướng nào.

Khi bạn dừng xoay, các chất lỏng có quán tính và tiếp tục chuyển động, kích thích tế bào thần kinh cảm giác của bạn trong khoảng thời gian ngắn, khiến não lầm tưởng vẫn đang xoay trong khi thực sự bạn đã dừng lại, dẫn tới cảm giác chóng mặt.

Qua nhiều năm luyện tập, bộ não của các vũ công, VĐV trượt băng đã thích nghi và học cách bỏ qua lỗi này. Họ không dựa nhiều vào phản ứng của não bộ mà dựa vào chính phản xạ của bản thân để có thể thực hiện được những động tác xoay vòng điệu nghệ.

Người tập cũng phải tuân thủ nhiều bước nghiêm ngặt như không đột ngột dừng lại, giữ cho đầu ổn định, nâng dần giới hạn xoay theo thời gian... Quá trình đó kéo dài hàng năm và phải được luyện tập thường xuyên để tăng khả năng phản xạ của cơ thể.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-vdv-truot-bang-xoay-nhieu-vong-lien-tuc-van-khong-bi-chong-mat-post1296859.html