Vì sao vẫn còn xung đột giao thông tại cầu vượt nút giao Mai Dịch?

Ngày 6/5, cầu vượt nút giao Mai Dịch đã được chính thức thông xe, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số thời điểm, giao thông qua khu vực này vẫn còn hỗn loạn.

Giảm tải rõ rệt

Sau rất nhiều mong đợi, hai đơn nguyên cầu vượt nút giao Mai Dịch thuộc dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long - Vành đai 3 Hà Nội đã chính thức được đưa vào sử dụng từ 0 giờ ngày 6/5.

Hai đơn nguyên cầu vượt mới nằm sát ngay bên cạnh cầu vượt nút giao Mai Dịch cũ. Mỗi bên rộng gần 8m, gồm 1 làn xe máy và 1 làn xe cơ giới. Sau khi đưa vào sử dụng, tổ chức giao thông qua nút giao Mai Dịch sẽ thay đổi. Cầu vượt Mai Dịch cũ được tách thành trục cao tốc dành riêng cho ô tô, kết nối với Vành đai 3 trên cao, tốc độ lưu hành cho phép đối với phương tiện tối đa 60km/giờ. Hai đơn nguyên cầu mới dành cho các phương tiện kết nối từ cao tốc xuống đường đô thị 2 đầu.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Mai Dịch đã giảm rõ rệt.

Ngay từ thời điểm đầu tiên, cầu vượt đã đáp ứng kỳ vọng khi góp phần tích cực giảm tải ùn tắc giao thông (UTGT) cho một trong những nút giao trọng điểm của khu vực nội thành Hà Nội.

Ghi nhận thực tế cho thấy, ngay khi mở hướng lưu thông qua hai cầu vượt mới, xung đột giao thông tại nút giao Mai Dịch - Vành đai 3 đã giảm rõ rệt.

Anh Phạm Quốc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy từ khi cầu vượt nút giao Mai Dịch thông xe, tình trạng ùn tắc tại giờ cao điểm đã không còn nữa, giao thông khá thuận lợi. Mọi ngày mình di chuyển qua đây khá vất vả và mất thời gian”.

Chị Nguyễn Hải Linh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Sau khi cầu vượt thép này được thông xe, mỗi sáng tôi đi từ Phạm Hùng sang Phạm Văn Đồng không cần đi qua nút giao có đèn giao thông, không mất thời gian dừng chờ đèn đỏ, rất thuận tiện cho người dân".

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn một số bất cập trong tổ chức giao thông tại nút giao Mai Dịch - Vành đai 3, đặc biệt là xung đột giữa các hướng lưu thông trên hai cầu vượt cũ và mới.

Vẫn còn bất cập

Sau khi thông xe, cầu Mai Dịch cũ chỉ dành cho ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 60km/h theo tiêu chuẩn đường cao tốc, kết nối liên thông với đường vành đai 3 trên cao. Tuy nhiên, nhiều người đi xe máy chưa quen với phân luồng giao thông mới, vẫn đi vào cầu cũ.

Ông Lương Đức Thắng (Phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Trong 7 - 10 ngày đầu, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân di chuyển đúng làn đường. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt những người vi phạm”.

Để tách dòng phương tiện lưu thông trong nội đô qua cầu vượt mới với giao thông ngoại vi trên trục đường vành đai 3 theo cầu vượt cũ, theo thiết kế, hệ thống cọc tiêu dẫn hướng sẽ được lắp đặt ở hai đầu cầu. Tuy nhiên, hiện tại hạng mục này chưa hoàn thiện, dẫn đến các dòng phương tiện vẫn giao cắt, gây mất an toàn giao thông.

Ông Lương Đức Thắng (Phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Việc thiết kế và bố trí hệ thống giải phân cách mềm tại hai đường dẫn hai đầu cầu lên xuống là một trong những hạng mục quan trọng để tách các dòng phương tiện theo đúng mục tiêu đầu tư của dự án và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, dự án có tính chất đặc thù là phải tổ chức thông xe mới có đủ không gian để hoàn thiện hệ thống hạng mục dẫn hướng theo đúng thiết kế được duyệt”.

Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tập trung hoàn thiện toàn bộ các hệ thống dải dẫn hướng theo đúng thiết kế.

Dòng phương tiện xung độ khi ô tô rẽ phải từ cầu Mai Dịch cũ vào đường đô thị.

Một vấn đề khác khiến giao thông tại hai đầu lên xuống cầu vượt Mai Dịch hỗn loạn là do ô tô đi từ làn cao tốc (cầu Mai Dịch cũ) rẽ phải vào đường đô thị dù đã có biển báo cấm rẽ phải và cấm quay đầu sau khi đi hết cầu vượt. Nhiều người dân di chuyển với tốc độ khá cao sẽ không kịp quan sát biển báo đặt tại ngay chân cầu, vẫn rẽ phải gây xung đột giao thông.

Để đảm bảo phương án lưu thông tối ưu cho cầu vượt nút giao Mai Dịch, cần bố trí thêm biển cấm quay đầu ở khu vực phù hợp để người dân dễ quan sát và tuân thủ. Đồng thời, với mục tiêu khép kín Vành đai, tách dòng phương tiện lưu thông trong nội đô với giao thông ngoại vi, lực lượng chức năng có thể nghiên cứu bố trí dải phân cách cứng, tách biệt hoàn toàn 2 làn đường, sẽ không còn xung đột giao thông tại khu vực lối lên xuống cầu.

Ngọc Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-van-con-xung-dot-giao-thong-tai-cau-vuot-nut-giao-mai-dich.html