Vì sao vẫn còn tình trạng công trình chậm tiến độ và lãng phí đầu tư công?

Dự án Trung tâm Thương mại miền Trung tại Quốc lộ 9, thành phố Đông Hà được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và dự kiến đưa vào hoạt động trong quý IV/2019. Sau khi được cấp chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã nộp tiền ký quỹ đầu tư, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước, UBND thành phố Đông Hà và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, quá trình GPMB gặp nhiều khó khăn và kéo dài từ năm 2018 đến năm 2020 do nhiều nguyên nhân như việc xác định đối tượng phối hợp để phê duyệt phương án bồi thường, GPMB; chậm trễ trong xác định nghĩa vụ GPMB. Vì vậy, ngày 16/6/2021 nhà đầu tư xin điều chỉnh chủ trương đầu tư về tiến độ dự án và hạng mục xây dựng. Ngày 8/11/2021, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các đơn vị và báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3535/QĐ-UBND (về tiến độ và quy mô, hạng mục công trình), theo đó dự kiến quý IV/2023, dự án mới hoàn thành đưa vào hoạt động.

* Vì sao vẫn còn tình trạng công trình chậm tiến độ và lãng phí đầu tư công? (kỳ 1)

Dự án dịch vụ, du lịch chậm tiến độ gây lãng phí quỹ đất

Dự án Khu du lịch HP Pacifica Hotel tại thị trấn Cửa Việt và dự án Khu Aquatica-Cửa Việt sau nhiều lần điều chỉnh nhưng vẫn đang chậm tiến độ. Đến nay, dự án chỉ xây dựng thô một số dãy nhà nhưng đang để hoang, xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí đất đai, mất mỹ quan khu du lịch.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 22/10/2008, chứng nhận thay đổi lần thứ hai ngày 13/6/2016. Nhà đầu tư đã trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do dự án thi công chậm tiến độ nên Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã có Quyết định số 31/QĐ-KKT ngày 23/4/2020 chấm dứt hoạt động dự án HP Pacifica Hotel theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2014.

Theo đó, trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định, chủ đầu tư được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật. Được biết, hiện nay Công ty cổ phần Hiệp Phú đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Dự án Khu Aquatica Cửa Việt - của Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hoàng Hà Quảng Trị được cấp chủ trương đầu tư theo Quyết định số 28/QĐKKT ngày 21/3/2019. Dự án thực hiện tại vị trí đất trước đây của dự án Khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt của Công ty TNHH xây dựng Hoàng Hà.

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế và đoàn thanh tra liên ngành đã làm việc với Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hoàng Hà Quảng Trị yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các hồ sơ liên quan, đặc biệt là hồ sơ xử lý tài sản trên đất sang dự án mới nhưng đến nay đoàn thanh tra liên ngành chưa nhận được hồ sơ xử lý tài sản trên đất nên chưa có đủ cơ sở thực hiện việc kết luận thanh tra để báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án HP Pacifica Hotel đang bỏ hoang gây lãng phí về quỹ đất ở Khu du lịch Cửa Việt - Ảnh: H.N. K

Sử dụng lãng phí nguồn vốn ở một số công trình, dự án

Hiện nay, một số dự án, công trình mang tính cấp bách, bức thiết về phòng chống thiên tai như đê, kè sông biển chống sạt lở, hồ thủy lợi…không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn. Trong đó phải kể đến Dự án khắc phục hậu quả bão lụt năm 2020 trung ương hỗ trợ 13 tỉ đồng giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi làm chủ đầu tư thực hiện 7 gói thầu về sửa chữa, nâng cấp một số hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn nhưng đến nay còn một số gói thầu vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí nguồn vốn nhà nước.

Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Lê Văn Trường cho biết, trong 7 gói thầu của dự án đến nay có 3 gói thầu đã hoàn thành, 4 gói thầu chậm tiến độ vì nguyên nhân khách quan do tình hình mưa lũ kéo dài đã làm ảnh hưởng đến công tác thi công công trình.

Tiếp theo là do dự án ngày 8/4/2021 mới phân bổ vốn, đến tháng 9/2021 mới thi công. Mặt khác do khối lượng công trình còn lại khá lớn nên cả 4 công trình không thể hoàn thành trong năm 2021. Vì thế, công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin gia hạn thời gian thực hiện và thanh toán nguồn vốn thực hiện.

Tuy nhiên, về góc độ quản lý cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thi công của các công trình và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để chậm tiến độ, sử dụng chưa hiệu quả nguồn vốn từ trung ương để có biện pháp xử lý, rút kinh nghiệm.

Dự án hệ thống cấp nước xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 30/3/2010, điều chỉnh tại Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 23/1/2014 với tổng mức đầu tư hơn 30 tỉ đồng, trong đó vốn viện trợ ODA của Chính phủ Italia là 8,2 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015, cấp nước sạch cho 1,6 nghìn hộ dân với 8,1 nghìn nhân khẩu xã Hải Chánh và vùng phụ cận.

Thế nhưng hiện tại dự án đã ngừng thi công, nhà máy xây dựng dang dở, nhiều hạng mục công trình xây dựng xong nhưng đã xuống cấp, gây lãng phí tài sản, tiền của Nhà nước và Nhân dân, trong khi đó người dân thì đang thiếu nước sinh hoạt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án do Bộ Tài chính là đơn vị đầu mối tổ chức thực hiện cung cấp vật tư, thiết bị hàng hóa ngành nước bằng nguồn vốn ODA. Dự án đã xây dựng xong phần thô, tuy nhiên từ tháng 9/2015 đến nay các gói thầu xây lắp trên công trình dừng thi công, do chưa có vật tư, thiết bị để lắp đặt.

Ngày 23/9/2016, Bộ Tài chính có văn bản số 13392/ BTC-QLN thông báo Hiệp định viện trợ đã hết thời hiệu và phải tiến hành đàm phán gia hạn hiệu lực thực hiện. Ngày 17/7/2019, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản số 8217/BTC-QLN thông báo đang trong tiến trình đàm phán.

Từ đó đến nay, công trình tiếp tục chờ kết quả đàm phán gia hạn thực hiện hiệp định nên các nỗ lực của UBND tỉnh, các ban, ngành và chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu phương án chuyển sang hình thức sử dụng vốn trong nước để sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân, tránh gây lãng phí vốn đầu tư.

Giải pháp chống lãng phí đầu tư công

Trước những bức xúc của người dân về các dự án thi công chậm tiến độ như hiện nay, tỉnh và các ban, ngành, địa phương liên quan cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Đối với dự án đường nối cầu An Mô, UBND tỉnh cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, cân đối nguồn vốn bổ sung cho dự án. Về phía địa phương huyện Triệu Phong cần giải quyết dứt điểm công tác GPMB để triển khai thực hiện các bước tiếp theo nhằm sớm hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng hiệu quả. Về dự án đường Lê Thánh Tông kéo dài, các ngành liên quan như Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính cần tập trung xử lý số vốn chưa được giải ngân, đồng thời đề xuất các giải pháp về tổ chức thi công để sớm hoàn thiện dự án đưa vào sử dụng.

Để một con đường trọng yếu về hạ tầng dân sinh, cứu hộ cứu nạn thi công 10 năm nhưng chưa hoàn thành gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức đánh giá dự án theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và thực hiện tái cơ cấu dự án đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách địa phương, phát huy hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, đối với đoạn tuyến chính qua huyện Triệu Phong kết nối với dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ Km10+00 - Km12+500 dài 2,5km, đề nghị tái cấu trúc hình thành dự án mới hoặc tìm nguồn vốn khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để hoàn thành, tạo sự thông suốt và thuận lợi trong kết nối giao thông.

Từ việc đầu tư một số chợ trên địa bàn chưa hiệu quả, theo chúng tôi tỉnh cần chú trọng công tác chỉ đạo, thẩm định, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội trước khi có quyết định đầu tư để tránh việc đầu tư chợ nhưng chưa phù hợp, sử dụng kém hiệu quả.

Mặt khác, UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ; chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách theo hướng giảm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ, tập trung thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn, nâng cao chất lượng hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia quản lý và kinh doanh khai thác chợ.

Đặc biệt là UBND huyện Triệu Phong, huyện Gio Linh cần xây dựng các phương án giá cho thuê phù hợp với tình hình thực tế để thu hút các tiểu thương vào kinh doanh tại chợ. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tiểu thương vào kinh doanh tại chợ, tránh mua bán tự phát tiềm ẩn nguy cơ về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phát huy hiệu quả của các chợ Triệu Thành, Mai Xá và đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn.

Trước thực trạng có không ít dự án thi công chậm tiến độ hoặc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan rà soát tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là những dự án đã cấp chủ trương đầu tư từ lâu và nhiều lần điều chỉnh để đánh giá tính hiệu quả, tính khả thi của việc xây dựng, báo cáo đề xuất dự án đầu tư, cũng như năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong việc xin cấp chủ trương đầu tư, tránh gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và làm mất cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư có năng lực khác.

Đối với những dự án chậm tiến độ do phía nhà đầu tư, cần có biện pháp kiên quyết chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật; các dự án chậm tiến độ do phía chính quyền địa phương thì cần phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ liên quan để có biện pháp xử lý nghiêm nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thu hút và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư tiềm năng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định, đầu tư công là sự hỗ trợ tích cực và có tầm quan trọng đối với tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết không để xảy ra tình trạng phải điều chuyển vốn hoặc cắt vốn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít công trình, dự án đã và đang thi công chậm tiến độ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương thúc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư, tập trung xử lý các dự án kéo dài tiến độ, kiên quyết thu hồi quyết định đầu tư đối với các dự án chậm thi công để giao lại cho các nhà đầu tư có năng lực và thiện chí đối với tỉnh Quảng Trị nhằm tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn và công bằng.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169571&title=vi-sao-van-con-tinh-trang-cong-trinh-cham-tien-do-va-lang-phi-dau-tu-cong