Vì sao Ukraine muốn nhiều vũ khí pháo binh từ Mỹ?

Khi lực lượng Nga chuyển mục tiêu đến miền Đông Ukraine, Mỹ cũng thay đổi kế hoạch viện trợ và tăng cường cung cấp vũ khí pháo binh hạng nặng cho Kyiv.

Tám tuần sau khi cuộc giao tranh Nga - Ukraine nổ ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tăng cường cung cấp viện trợ đạn pháo cho Kyiv. Theo AP, đây là dấu hiệu cho thấy cam kết sâu sắc của Washington ở một giai đoạn then chốt của cuộc chiến.

“Chúng ta đang ở trong thời kỳ quan trọng”, ông Biden cho biết hôm 21/4 sau khi thông báo phê duyệt khoản viện trợ bổ sung trị giá 800 triệu USD, gồm 72 lựu pháo 155 mm, cùng với 144.000 băng đạn và hơn 120 thiết bị bay không người lái có vũ trang.

Tại sao pháo hạng nặng quan trọng?

Sau khi Điện Kremlin tuyên bố chuyển mục tiêu, tập trung “giải phóng” miền Đông Ukraine, Washington và các đồng minh cũng thay đổi kế hoạch, cung cấp cho Ukraine những vũ khí lớn hơn và tiên tiến hơn.

Các loại vũ khí hạng nặng như pháo đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh ở khu vực Donbas, phía đông Ukraine.

Địa hình tương đối bằng phẳng ở nơi này phù hợp với chiến thuật cơ động đánh tạt sườn. Khi đó, xe tăng và các lực lượng trên bộ khác sẽ được hỗ trợ bởi pháo tầm xa như lựu pháo 155 mm trong khi di chuyển.

Pháo mà Washington gửi tới Ukraine sẽ là mẫu mới nhất của quân đội Mỹ, gọi là M777, được sử dụng bởi lục quân và thủy quân lục chiến.

Với kích thước nhỏ hơn và cơ động hơn so với mẫu cũ, M777 có thể được triển khai tới chiến trường bằng trực thăng vận tải hạng nặng và di chuyển tương đối nhanh giữa các vị trí bằng xe tải 7 tấn, vốn cũng đang được cung cấp bởi Lầu Năm Góc.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết chiếc đầu tiên trong số 72 lựu pháo dự kiến bắt đầu được chuyển đến châu Âu vào cuối tuần này.

Hoạt động đào tạo lực lượng Ukraine sử dụng lựu pháo bắt đầu vào hôm 20/4 tại một quốc gia bên ngoài không được tiết lộ.

Không như nhiều cuộc giao tranh trước đó, lần đối đầu ở phía đông Ukraine dự kiến có nhiều xe tăng, pháo tầm xa và máy bay không người lái trang bị vũ khí hơn.

“Nó có thể rất quan trọng trong phương thức chiến đấu mới ở Donbas. Bởi vì địa hình thông thoáng, bằng phẳng và không phải đô thị, chúng tôi dự đoán Nga có thể dựa vào hỏa lực tầm xa”, John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết.

Những ngày gần đây, Nga đã triển khai thêm pháo binh đến khu vực Donbas, cùng với các lực lượng mặt đất và trang thiết bị, vũ khí khác nhằm hỗ trợ, duy trì một cuộc chiến có thể kéo dài ở trung tâm công nghiệp của Ukraine.

Số lượng chưa đủ

AP nhận định động thái mới này có thể vẫn chưa đủ để ngăn cản bước tiến của lực lượng Nga. Tổng thống Biden mới đây tuyên bố ông đã yêu cầu Lầu Năm Góc làm việc để hỗ trợ bổ sung quân sự tiềm năng cho Kyiv.

Tổng thống Mỹ cho biết giai đoạn mới trong “chiến dịch quân sự" của Nga sẽ "hạn chế hơn về mặt địa lý, chứ không phải về mức độ giao tranh".

Ông cũng thừa nhận cần Quốc hội Mỹ phê duyệt các khoản ngân sách cần thiết để tiếp tục cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine ngoài gói 800 triệu USD mới nhất. Theo ông Biden, khoản viện trợ mới sẽ chỉ đảm bảo lượng vũ khí ổn định cho Ukraine trong vài tuần tới.

Nga kịch liệt phản đối hành động trợ giúp trên. “Mỹ và các nước phương Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Washington đang làm mọi thứ để trì hoãn chiến dịch quân sự trong thời gian dài nhất có thể”, TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 19/4.

“Khối lượng viện trợ vũ khí nước ngoài ngày một tăng, thể hiện họ có ý định cổ vũ chính quyền Kyiv chiến đấu tới cùng”, ông Shoigu nói.

Điện Kremlin và các bộ Ngoại giao, Quốc phòng Nga thời gian qua cũng nhiều lần cảnh báo những đoàn xe chở vũ khí viện trợ vào Ukraine sẽ là mục tiêu tấn công hợp pháp.

Sau khi không chiếm được thủ đô Kyiv trong những tuần đầu, Nga đã thu hẹp các mục tiêu của mình bằng cách tập trung vào Donbas. Một lợi thế của Moscow là khu vực này gần với lãnh thổ Nga. Vì vậy, các đường tiếp tế sẽ ngắn hơn so với các trận chiến trước đó ở phía bắc Ukraine.

Mỹ đang viện trợ những gì cho Ukraine?

Ngoài 72 lựu pháo và các phương tiện cần thiết để di chuyển chúng xung quanh chiến trường, gói vũ khí mới nhất dành cho Ukraine bao gồm thiết bị bay không người lái có vũ trang (drone) và băng đạn được lấy từ kho vũ khí của Không quân Mỹ.

Trong khi đó, với gói viện trợ trị giá 800 triệu USD khác được công bố vào tuần trước, Ukraine sẽ nhận được thêm radar có khả năng chỉ thị mục tiêu nhắm vào pháo binh Nga, cũng như radar giám sát đường không.

Mark Montgomery, đô đốc hải quân đã nghỉ hưu, từng phục vụ tại Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, nhận định: “Pháo và thiết bị bay không người lái là những thứ chính xác mà Ukraine sẽ cần khi Nga tiến hành chiến dịch tiếp theo ở phía đông và phía nam”.

Thiết bị bay không người lái trong gói viện trợ mới có tên là Phoenix Ghost, được sản xuất bởi một công ty Mỹ Aevex Aerospace. Lầu Năm Góc ngày 21/4 cho biết loại drone Phoenix Ghost có khả năng nhắm mục tiêu, tấn công và tự hủy, phù hợp với các yêu cầu chiến thuật của Ukraine ở mặt trận miền Đông.

“Chúng cũng có thể cung cấp hình ảnh thu được, nhưng chức năng chính là tấn công", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói.

Theo Fox News, một quan chức của Bộ Quốc phòng cho biết Phoenix Ghost có các khả năng tương tự drone diệt tăng Switchblade. Chúng đủ nhỏ để mang trong ba lô, dễ dàng phóng và phát nổ sau khi lao vào mục tiêu.

Video Nga phóng tên lửa Kalibr tấn công mục tiêu ở Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/4 tuyên bố tàu chiến từ Biển Đen phóng tên lửa hành trình Kalibr nhắm mục tiêu lực lượng Ukraine tại ga tàu Meliorativnoye, tỉnh Dnipropetrovska.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-ukraine-muon-nhieu-vu-khi-phao-binh-tu-my-post1311467.html