Vì sao TT Philippines ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ gia nhập ASEAN ?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan như "vớ được cọc" trước lời giúp đỡ gia nhập ASEAN của người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây ra một cuộc tranh cãi trong tuần này khi ông đề xuất tại một cuộc họp báo rằng, Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức khu vực mà Philippines hiện đang là chủ tịch luân phiên.

ASEAN hiện là nhóm các quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á bao gồm, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn hào hứng với việc gia nhập EU.

Trong cuộc họp báo ở Davao, Tổng thống Duterte tiết lộ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Jargatulga Erdeneba đã “nhờ cậy” Manila giúp đỡ gia nhập ASEAN. Đáp lại, nước chủ tịch luân phiên của tổ chức đã đồng ý.

Sau những bất đồng với phương Tây thời gian qua, Ankara được cho là không còn hào hứng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) như trước. Năm ngoái ông Erdogan còn khẳng định sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) như một sự thay thế. Việc đề xuất gia nhập tổ chức ở khu vực Đông Nam Á được coi là một bất ngờ lớn dù phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng trước thông tin này.

Tuyên bố có thể đáp ứng ý nguyện từ Thổ Nhĩ Kỳ của ông Duterte cũng gây sốc không kém đối với nhiều người, mặc dù vậy giới phân tích cho rằng bình luận của nhà lãnh đạo Manila có vẻ như đã xuất phát từ suy nghĩ có phần đơn giản.

Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ về cơ bản sẽ khó là thành viên mới của ASEAN vì cả hai nước đều không nằm trong khu vực Đông Nam Á. Cả hai đều biết điều này và do đó sẽ khó có một yêu cầu gửi đến ông Duterte để tham gia vào một tổ chức khu vực mà họ vốn không thuộc về.

Theo The Diplomat, vấn đề không chỉ nằm ở mặt địa lý mà còn trên cả khía cạnh pháp lý. Điều 6 của Hiến chương ASEAN - văn kiện có hiệu lực pháp lý giữa 10 nước thành viên (kể cả Philippines) từ năm 2008, quy định "vị trí trong khu vực địa lý được được xác nhận thuộc Đông Nam Á" là một trong bốn tiêu chí để gia nhập ASEAN.

Bản thân Tổng thống Duterte sẽ không thể đơn phương đưa một quốc gia không thuộc khu vực gia nhập vào ASEAN mà không có sự đồng ý và chấp thuận lâu dài từ phía các quốc gia thành viên.

Trên thực tế, một số nhà quan sát còn chỉ ra những hệ lụy trực tiếp hơn như việc sự khác biệt về chính sách khiến các thành viên có thể khó đồng nhất trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như Biển Đông hay hợp tác với Trung Quốc.

ASEAN đang dần trở thành tổ chức khu vực uy tín và thu hút ý muốn hợp tác từ nhiều quốc gia.

Các vấn đề tương tự cũng xảy ra trong trường hợp thừa nhận Đông Timor - một quốc gia rõ ràng thuộc về khu vực Đông Nam Á và đã thể hiện mong muốn trở thành một phần của ASEAN kể từ khi độc lập khỏi Indonesia năm 2002.

Kinh nghiệm của ASEAN đã cho thấy, việc mở rộng thành viên là điều các nước hoan nghênh và tạo ra những lợi ích thực sự, tuy nhiên mọi thứ cần được cân nhắc cẩn thận trước khi tiến hành.

Theo bình luận viên cao cấp Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ hướng tới không phải trở thành thành viên đầy đủ trong khối ASEAN, như ông Duterte miêu tả, mà muốn nâng cấp quan hệ đối tác chính thức với khối này như mong muốn nhiều năm qua.

Điều này chắc chắn sẽ được hoan nghênh trong định hướng hiện tại của ASEAN. Theo Điều 44 của Hiến chương ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN có thể trao một số địa vị đối tác chính thức cho các quốc gia bên ngoài, bao gồm đối tác đối thoại ngành, đối tác phát triển, quan sát viên đặc biệt, khách mời hoặc đối tác đối thoại (mức hợp tác cao nhất trong đó có Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản).

Ngoài ra các quốc gia không phải thành viên cũng có thể được mời tham dự các cuộc họp hoặc các hoạt động hợp tác của ASEAN mà không cần phải có một địa vị đối tác cụ thể.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ không phải là những nước duy nhất đang gõ cửa ASEAN để "nâng cấp" địa vị của họ với tổ chức lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thực tế cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Nam Á đã khiến nhiều quốc gia dần tham gia vào các hoạt động của tổ chức nhiều hơn.

Nhưng từ quan điểm của ASEAN, có một sự cân bằng cẩn thận cần phải đạt được giữa việc gắn kết các mối quan hệ gần gũi hơn với một số quốc gia trọng điểm – sự tương tác với các quốc gia có nhu cầu tham gia, đồng thời đảm bảo rằng tổ chức này sẽ không bị mất tập trung khi sâu sát với quá nhiều bên.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ngan-ngam-eu-lieu-tho-nhi-ky-co-ve-cung-mot-nha-voi-viet-nam-a326164.html